Các nhà khoa học Đức hôm qua tuyên bố họ phát hiện một loài vượn quý hiếm trong những khu rừng nhiệt đới giữa Việt Nam, Lào và Campuchia.
Một con vượn mào đen không thuộc loài mới được tìm thấy. (Ảnh: flickr.com).
AFP dẫn lời các nhà khoa học thuộc Trung tâm Linh trưởng Đức (DPZ) cho biết, loài vượn nói trên có tên khoa học là Nomascus annamensis hay vượn mào đen. Các nhà khoa học phát hiện vượn mào đen nhờ một “bài hát” rất đặc trưng của chúng.
“Kết quả phân tích gene, tần số và nhịp độ tiếng kêu của vượn mào đen cho thấy đó là một loài mà giới khoa học chưa từng biết”, Christian Roos, một chuyên gia của DPZ, khẳng định.
Theo thông báo của DPZ, “bài hát” mà họ phân tích được dùng để cảnh báo những kẻ định xâm nhập vào lãnh địa. Rất có thể trước đây con người từng tạo ra những “ca khúc” như vậy.
Vượn mào đen đực có bộ lông đen dày nhưng khi ra ánh sáng mặt trời lông của chúng dường như chuyển sang màu bạc. Lông ngực của chúng có màu nâu, còn hai má có màu cam. Những con cái được bao phủ bởi bộ lông màu cam.
Nhóm vượn có mào chỉ được tìm thấy tại Việt Nam, Lào, Campuchia và phía nam Trung Quốc. Trước đây các nhà khoa học cho rằng chỉ có 6 loài thuộc nhóm này, nhưng phát hiện của DPZ cho thấy ít nhất 7 loài vượn có mào đang tồn tại.
Giới khoa học không biết bao nhiêu loài vượn còn sống trên thế giới, song chúng đang bị đẩy tới bờ vực tuyệt chủng bởi nạn săn trộm. Người ta săn bắt chúng để nuôi, làm thức ăn hoặc chế biến thuốc cổ truyền. Roos cho biết, nhiều loài vượn chỉ còn khoảng 100 cá thể.
Giống như đười ươi, khỉ đột, tinh tinh, khỉ bonobo, vượn thuộc nhóm động vật linh trưởng – họ hàng gần gũi nhất của loài người.
Theo Vnexpress, AFP