Tàu thăm dò Curiosity của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) đã phát hiện thấy một lượng nước đáng kể trong đất trên bề mặt sao Hỏa.
Sau khi phân tích các mẫu đất do tàu thăm dò Curiosity lấy trên bề mặt sao Hỏa, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu bách nghệ Rensselaer ở Mỹ đã phát hiện thấy rằng mỗi 0,03m3 đất trên hành tinh đỏ chứa 0,47 lít nước (tương đương 2 cốc nước).
“Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng sao Hỏa là một nơi rất khô, nên việc tách nước tương đối dễ dàng khỏi đất trên bề mặt làm tôi rất bất ngờ”, tiến sĩ Laurie Leshin, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết. “Nếu lấy lượng đất nhất định và đốt nóng nó, bạn sẽ thu được khoảng hai cốc nước”.
Tàu thăm dò tự hành Curiosity – (Ảnh: Reuters)
Tàu thăm dò Curiosity đã phát hiện khoảng 2% trọng lượng mẫu đất sao Hỏa là nước. Các mẫu đất đã được đưa vào một lò vi sóng ở giữa của tàu thăm dò. Nó cũng phát hiện thấy chất SO2, CO2 và O2 trong những mẫu đất và khoáng chất được nung nóng dưới nhiệt độ cao.
“Chúng tôi đã nung nóng chúng tới 835 độ C và loại bỏ tất cả chất dễ bay hơi để đo lượng đất còn lại. Chúng tôi có những thiết bị rất nhạy để phát hiện nước và các chất khác thoát ra”, bà Leshin nói.
Tiến sĩ Laurie Leshin cho biết, những phát hiện thú vị về sao Hỏa sẽ giúp lập kế hoạch cho các sứ mệnh đưa con người lên hành tinh này trong tương lai.
Tàu thăm dò Curiosity đáp xuống miệng hố Gale gần xích đạo của sao Hỏa vào tháng 8/2012. Mục đích chính của tàu thăm dò này là tìm hiểu xem hành tinh đỏ đã từng tồn tại sự sống trước đây hay không. Các nhà khoa học tin rằng nước từng rất dồi dào trên sao Hỏa, nhưng sau đó đã biến mất gần như hoàn toàn.
Theo Khampha