Các nhà thiên văn quốc tế đã lập bản đồ của cấu trúc được xem là mạng lưới vật chất tối lớn nhất đến nay. Nó trải dài trên 270 triệu năm ánh sáng, tức là lớn gấp 2.000 lần Dải Ngân hà của chúng ta.
“Kết quả này là một bước tiến lớn vì sự có mặt của một mạng lưới vật chất tối trong vũ trụ trải rộng đến nhường ấy là chưa hề được quan sát trước đây”, Ludovic Van Waerbeke, một trợ lý giáo sư tại Đại học British Columbia của Canada, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Khoảng 1/5 thể tích vũ trụ được cho là chứa đầy vật chất tối – tản ra dưới dạng các sợi, phiến và cụm bí ẩn.
Nhưng với công nghệ hiện nay, người ta chưa thể quan sát được nó trực tiếp, thay vì thế, các chuyên gia nghiên cứu chúng gián tiếp, thông qua lực hấp dẫn mà nó tác động lên ánh sáng.Nhóm quan sát gồm 19 thành viên đã vẽ nên bản đồ này từ các bức ảnh do Trạm thiên văn Canada – Pháp – Hawaii ở Hawaii cung cấp. Ảnh được chụp bởi camera số 340 megapixel của trạm thiên văn, là chiếc lớn nhất đối với các nhà thiên văn trên thế giới.
Kỹ thuật của họ dựa trên nguyên lý thấu kính hấp dẫn yếu – một hiện tượng được Einstein dự đoán – theo đó ánh sáng từ các thiên hà xa xôi khi bay xuyên qua vũ trụ để tới mắt chúng ta đã bị vật chất tối làm lệch hướng.
Các nhà thiên văn đã lập được bản đồ mạng lưới vật chất tối lớn nhất tới nay. Phát hiện của họ ủng hộ ý kiến cho rằng các thiên hà và chùm thiên hà nằm chìm trong một cấu trúc sợi khổng lồ của vật chất tối để tạo nên một “mạng vũ trụ“. (Ảnh: NASA) |
Theo T. An (AFP, Vnexpress)