Phát hiện mặt trăng thứ 5 của sao Diêm Vương

Phát hiện mặt trăng thứ 5 của sao Diêm Vương

Kính thiên văn không gian Hubble vừa phát hiện mặt trăng thứ 5 quay quanh hành tinh lùn Diêm Vương.

>>>5 bí ẩn về sao Diêm Vương

Sau khi phân tích dữ liệu từ nhiều hình ảnh do kính thiên văn không gian Hubble của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) chụp được, tiến sĩ Mark Showalter và cộng sự thuộc Viện nghiên cứu Seti (Mỹ) phát hiện mặt trăng thứ 5 của hành tinh lùn Diêm Vương và đặt tên là P5.

Phát hiện mặt trăng thứ 5 của sao Diêm Vương
Mặt trăng mới được phát hiện P5 là mặt trăng nhỏ
nhất trong số các mặt trăng của sao Diêm Vương

Mặt trăng P5 là mặt trăng nhỏ nhất của sao Diêm Vương được phát hiện cho tới nay. Khác với các mặt trăng được phát triển trước đó, P5 có dạng hình elip với chiều dài khoảng 25km và chiều rộng khoảng 10km.

Việc phát hiện mặt trăng thứ 5 của sao Diêm Vương sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn quá trình hình thành của hành tinh này. Một số nhà thiên văn học trước đó cho rằng tất cả các mặt trăng của sao Diêm Vương đều là tàn tích của một vụ va chạm giữa hành tinh này và một vật thể băng cách đây hàng tỷ năm.

“Các mặt trăng của sao Diêm Dương có kích thước từ nhỏ tới to rất đều nhau, tương tự như cách sắp xếp của búp bê Nga”, tiến sĩ Mark Showalter, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết trên BBC.

Mặt trăng lớn nhất của sao Diêm Vương là Charon được phát hiện vào năm 1978. Sau đó, kính thiên văn không gian Hubble phát hiện thêm 2 mặt trăng nhỏ hơn là Nix và Hydra. Mặt trăng thứ 4 có tên là P4 được kính thiên văn Hubble phát hiện vào năm 2011.

Năm 2006, NASA đã phóng tàu thăm dò không người lái New Horizons và dự kiến nó sẽ bay vào quỹ đạo của hành tinh Diêm Vương vào năm 2015. New Horizons có sứ mệnh thăm dò và ghi lại những hình ảnh về bề mặt của sao Diêm Vương và các mặt trăng của nó.

Sao Diêm Vương được phát hiện vào năm 1930 bởi nhà khoa học người Mỹ Clyde Tombaugh. Nó được coi là hành tinh thứ 9 của Hệ mặt trời cho tới khi bị “giáng cấp” xuống thành hành tinh lùn vào năm 2006.

 

Theo Vietnamnet, BBC