NASA sẽ buộc phải tìm ra giải pháp trước khi chính thức gửi con người lên sao Hỏa.
Du hành vũ trụ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất là khả năng gây ung thư, vì các nhà du hành sẽ phải tiếp xúc với các tia bức xạ ngoài vũ trụ – thứ có thể sẽ gây xáo trộn đến các tế bào của con người và gây đột biến ở cấp độ ADN.
Những rủi ro này, các nhà du hành đều phải nắm được và chấp nhận. Tuy nhiên, phát hiện mới đây cho thấy rủi ro mắc ung thư của các phi hành gia cao hơn con số ước tính đến 2 lần.
Sứ mệnh chinh phục sao Hỏa sẽ khiến rủi ro mắc ung thư của các phi hành gia cao hơn con số ước tính đến 2 lần.
“Khám phá sao Hỏa là một nhiệm vụ kéo dài ít nhất 900 ngày, trong đó có hơn 1 năm “bơi” trong vũ trụ – nơi việc hứng chịu các bức xạ là không thể tránh khỏi” – Francis Cucinotta, giáo sư phóng xạ và vật lý vũ trụ tại ĐH Nevada cho biết.
Theo kế hoạch, NASA dự tính sẽ đưa con người lên sao Hỏa vào năm 2030. Và vấn đề là NASA phải giải quyết được các rủi ro về sức khoẻ mà nhóm phi hành gia thực hiện nhiệm vụ phải gánh chịu.
Vượt ra khỏi từ trường của Trái đất là lượng bức xạ khổng lồ ập đến.
Tác hại của bức xạ vũ trụ không chỉ là ung thư. Nó có thể gây đục thủy tinh thể, rối loạn hệ tuần hoàn, nhiễm xạ cấp tính… Tệ hơn nữa là Cucinotta – lớp “áo” bảo vệ quanh tàu vũ trụ cũng chỉ làm giảm bớt một chút rủi ro mà thôi.
Nhưng rủi ro đó cao đến mức nào? Nó sẽ phụ thuộc vào mô hình tính toán, và độ dày của tàu vũ trụ! Nghiên cứu mới của ĐH Nevada dựa trên các dữ liệu từ một số nghiên cứu khác trên chuột, trong đó chỉ ra rằng 8 – 9% các khối u đã phát triển chỉ sau 1 năm tiếp xúc với phóng xạ vũ trụ.
Tuy nhiên, ngay cả các tế bào không tiếp xúc trực tiếp với phóng xạ cũng bị lây nhiễm. Nghiên cứu đưa ra 3 kịch bản dựa trên mô hình và độ dày lớp vỏ khác nhau. Đầu tiên là 12% – 13%, sau đó là 16% – 18%, và cuối cùng là 20% – 25%.
Thực hiện chuyến đi 900 ngày lên sao Hỏa sẽ đẩy nguy cơ nhiễm xạ của phi hành đoàn lên cực cao.
“Các tia vũ trụ có thể phá hủy nhân tế bào, gây đột biến và tạo ra ung thư” – Cucinotta cho biết. “Chúng tôi nhận thấy các tế bào bị thương tổn có thể gửi tín hiệu đến tế bào khoẻ mạnh xung quanh. Những tín hiệu ấy có xu hướng khiến tế bào khỏe mạnh đột biến theo, gây di căn”.
Theo Cucinotta, các chuyên gia cần đẩy mạnh nghiên cứu về bức xạ trong vũ trụ và tác động của nó đến cơ thể người, trước khi đưa bất kỳ ai ra khỏi lớp từ trường Trái đất.
Hiện tại, NASA vẫn đang triển khai các nghiên cứu về bức xạ nhờ robot vận hành Curiosity trên sao Hỏa. Ví dụ vào năm 2013, dựa trên các dữ liệu Curiosity mang lại, các chuyên gia thiết lập được một mô hình ước tính thời gian: 180 ngày di chuyển đến sao Hỏa, 180 ngày quay về Trái đất, cùng 500 ngày làm nhiệm vụ trên bề mặt hành tinh.
NASA cho biết, kịch bản này có thể khiến các phi hành gia nhiễm 1 đơn vị (sievert) phóng xạ, tương đương giới hạn phóng xạ trong cả sự nghiệp của họ trên trạm vũ trụ ISS. Nhiễm 1 sievert phóng xạ, rủi ro ung thư tăng 5%, trong khi giới hạn của NASA chỉ là 3%.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports.
Theo Trí Thức Trẻ