Các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu truyền nhiễm virus tại quần đảo Balear (Crivib) của Tây Ban Nha vừa công bố những phát hiện mới về khả năng chống chọi kỳ lạ của loài dơi đối với virus gây bệnh dại.
Theo tiến sĩ Jordi Serra-Cobo, Giám đốc Crivib, phát hiện lý thú đầu tiên là việc tìm thấy virus bệnh dại ngay trong máu của loài dơi, trái với quan điểm vẫn được thừa nhận cho tới nay là loại virus này chỉ tồn tại trong hệ thần kinh của động vật hoang dã.
Yếu tố mới này sẽ cho phép các nhà khoa học có thể dễ dàng tiến hành nghiên cứu virus bệnh dại trên các tế bào máu lấy ra từ một cơ thể nhiễm bệnh còn sống thay vì phải chờ tới khi con vật bị chết và tiến hành thí nghiệm lâm sàng trên mô não.
Điểm đáng chú ý thứ hai là khả năng chống chọi của dơi với loại bệnh đáng sợ này. Các nhà khoa học đã phát hiện ra một đàn dơi có chứa các virus bệnh dại trong cả não, tim, phổi và máu nhưng chúng vẫn hoàn toàn khỏe mạnh và tuổi thọ không hề giảm.
Hiện tại, mục tiêu nghiên cứu chính của Crivib là tìm hiểu cơ chế nào trong cơ thể của dơi đã kiềm chế sự phát triển của virus bệnh dại.
Dơi xuất hiện trên Trái Đất từ cách đây 65 triệu năm và là một trong những loài chịu được nhiều loại hình khí hậu nhất khi phân bố gần khắp bề mặt Trái Đất.
Dơi cũng là loài thú có vú đa dạng về chủng loại nhất, với khoảng 1.100 loài – tương đương 20% số lượng các loài thú có vú. Vai trò chủ chốt của chúng trong hệ sinh thái là diệt sâu bọ, giúp phân tán phấn hoa và hạt./.
Theo TTXVN/Vietnam+