Phát hiện mới về virus cổ đại giúp hiểu rõ hơn về HIV

Phát hiện mới về virus cổ đại giúp hiểu rõ hơn về HIV

Các nhà khoa học đã phát hiện ra lịch sử của Retrovirus – chủng virus đã tồn tại cách đây 30 triệu năm, giúp giới khoa học hiểu rõ hơn về sự tiến hóa của các loại virus ngày nay.

Retrovirus là chủng virus tồn tại dồi dào trong tự nhiên, bao gồm virus gây suy giảm miễn dịch (HIV-1 và -2)virus gây bệnh bạch cầu ở người. Trong nghiên cứu mới này, các nhà nghiên cứu xem xét một nhóm cụ thể của những loại virus thuộc chủng này, có tên gọi là ERV-Fc và có ảnh hưởng đến rất nhiều loài động vật chủ.

Nhà nghiên cứu Welkin Johnson (Đại học Boston, Mỹ) – đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Virus đã tồn tại cùng chúng ta trong hàng tỷ năm và chúng có mặt ở khắp mọi nơi. Do đó, chúng có tác động đáng kể đến môi trường sinh thái và tiến hóa của tất cả các sinh vật, từ vi khuẩn đến con người. Thật không may là virus không để lại hóa thạch sau khi chúng chết, nghĩa là chúng ta biết rất ít về nguồn gốc và cách tiến hóa của chúng. Tuy nhiên, những biến đổi gene di truyền của virus được tích tụ trong các bộ gene ADN của các sinh vật sống, trong đó có con người, có thể được coi là “hóa thạch” để khám phá lịch sử tiến hóa của virus”.

Phát hiện mới về virus cổ đại giúp hiểu rõ hơn về HIV
Hình ảnh của chủng Retrovirus. (Nguồn: HNGN).

Sử dụng những mẫu “hóa thạch” này, các nhà nghiên cứu tập trung vào việc phát hiện lịch sử tiến hóa của virus ERV-Fc. Đầu tiên, họ tìm kiếm hệ gene của loại virus này ký sinh ở các loài động vật có vú và sau đó xây dựng mô phỏng lại các bộ gene của các loại virus cổ đại, tổ tiên của các loài ngày nay.

Các nhà nghiên cứu đã xác định được mô hình tiến hóa trong gene của các virus này, phản ánh khả năng thích nghi của chúng đối với các loại vật chủ là động vật có vú khác nhau. Điều thú vị là, họ phát hiện ra những loại virus này thường trao đổi gene với nhau và với các virus khác. Điều đó cho thấy, sự tái tổ hợp di truyền đóng vai trò quan trọng trong sự tiến hóa của chúng.

“Gene của động vật có vú có chứa hàng trăm nghìn hóa thạch virus cổ xưa, tương tự virus ERV-Fc” – nhà nghiên cứu William E. Diehl (Đại học Massachusetts, Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu cho biết.

“Chúng tôi sẽ sử dụng hệ gene của virus cổ đại để chứng minh những hậu quả lâu dài của những dòng virus mới xuất hiện. Từ đó, chúng ta có thể đánh giá tác động của virus HIV đối với sức khỏe con người trong 30 triệu năm, kể từ bây giờ. Phương pháp này sẽ cho phép chúng ta hiểu rõ hơn một loại virus mới sẽ xuất hiện khi nào, tại sao và chúng tác động đến sinh vật chủ như thế nào” – ông nói.

 

Theo tgvn