Phát hiện mới: Voi nghe bằng.. chân!

Các nhà khoa học Hoa Kỳ vừa công bố một nghiên cứu mới rất thú vị: Voi không chỉ dùng chân để đi mà còn để… “nghe” nữa! Phát hiện này góp phần cải thiện mối quan hệ giữa con người và voi, đồng thời cũng có tác dụng hữu ích trong việc bảo tồn loài động vật to lớn này.

Từ bao đời nay, với đôi tai to và dài, loài voi không hề gặp bất cứ trở ngại nào trong việc nghe, nhưng theo một nghiên cứu mới, bên cạnh đôi tai, voi châu Phi còn sử dụng chân như một phương tiện thích giác rất hữu hiệu.

Nghe xa đến vài cây số

Trong nghiên cứu này, tiến sĩ Caitlin O’Connell-Rodwell, thuộc Trung tâm Y khoa của trường Đại học Stanford, và các cộng sự đã ghi âm những tiếng kêu báo nguy của các đàn voi ở Namibia và Kenya khi chúng đang đối phó với sự xuất hiện của sư tử.

Sau đó, các chuyên gia đã cải biến những âm thanh này thành sóng địa chấn và phát cho một đàn voi ở Namibia nghe. Khi nghe tiếng kêu của voi Namibia, bầy voi đã có những phản ứng rất nhanh, trước hết chúng tụ họp lại một chỗ, rồi phân ra thành từng nhóm rất chặt chẽ và gom hết những chú voi con vào giữa để bảo vệ.

Nhưng điều làm cho các chuyên gia ngạc nhiên là khi nghe tiếng báo động của voi Kenya, voi Namibia hầu như không phản ứng gì cả. Nhóm nghiên cứu khám phá ra rằng bàn chân của voi cực kỳ nhạy cảm đến mức chúng có thể phân biệt được tiếng gọi của “bạn bè” với tiếng gọi của “người lạ” ở một khoảng cách vài ngàn mét.

Voi châu Phi có thể phân biệt được tiếng kêu của “bạn bè” với tiếng kêu của “kẻ lạ” qua những cái chân cực kỳ nhạy cảm với sóng âm truyền trên mặt đất. (Ảnh: nationalgeographic.com)

Tuy nhiên, họ chưa thể giải thích được cơ chế nào dẫn đến những phản ứng khác nhau trước những âm thanh báo nguy đó. Theo bà O’Connell-Rodwell, có thể là do “voi tin tưởng vào tiếng kêu của những đồng loại mà chúng đã biết hơn là của những con voi xa lạ”.

Nghiên cứu cho thấy rằng khoảng cách giữa đàn voi và nơi phát ra tiếng báo nguy càng xa bao nhiêu thì phản ứng của voi càng yếu đi bấy nhiêu. Bà cũng cho biết có rất nhiều khác biệt giữa voi nuôi trong vườn thú với voi trong hoang dã về phương diện phản ứng với sóng âm truyền trên mặt đất.

Qua kết quả nghiên cứu này, bà cho biết: “Thông thường khi nghe, voi sẽ giương 2 cái tai to lớn ra và phất qua phất lại để nghe ngóng. Nhưng đối với tiếng động ở xa, chúng lại rướn người về phía trước và dồn sức nặng của cơ thể lên 2 chân trước. Đôi khi chúng đồng loạt giơ 1 chân trước lên.”

Bà nhấn mạnh: “Tất cả các thành viên trong đàn đều làm như thế trong cùng 1 lúc. Chúng có một sự phối hợp rất chặt chẽ nên không thể cho đó là một sự ngẫu nhiên được”.

Góp phần bảo vệ con người

Năm 2004, bà O’Connell-Rodwell đã từng khám phá rằng voi có thể liên lạc với nhau qua những âm thanh tần số thấp do chúng phát ra.

Nghiên cứu mới được xem góp phần cải thiện mối quan hệ giữa con người và voi, đồng thời cũng có tác dụng hữu ích trong việc bảo tồn loài động vật này. (Ảnh: Telegraph.co.uk)

Là một nhà nghiên cứu về voi châu Phi trong 14 năm qua, tiến sĩ O’Connell-Rodwell cho biết tiếng kêu của voi phát ra những sóng địa chấn lan truyền qua mặt đất, tạo điều kiện cho voi bắt được những tín hiệu sóng âm đó qua đôi chân cực kỳ nhạy cảm của chúng.

Qua nghiên cứu này, bà nói: “Ở một mức độ rất căn bản, phát hiện mới này cho thấy loài voi có cả một phương thức để liên lạc với nhau mà chúng ta chưa hề nghĩ tới”.

Phát hiện của bà O’Connell-Rodwell và các cộng sự được xem là góp phần quan trọng vào việc cải thiện mối quan hệ giữa con người và voi, đồng thời cũng có tác dụng hữu ích trong việc bảo tồn loài động vật to lớn này. Chẳng hạn, có thể sử dụng tiếng chân của loài voi để tạo ra tín hiệu báo động sớm cho nông dân tránh nơi đang có voi, hoặc dùng tiếng kêu báo nguy của voi để khiến chúng nhanh chóng rời khỏi những khu vực nào đó.

Bà O’Connell-Rodwell nói: “Phải sống trong sự đe dọa của voi là một điều khủng khiếp. Một bầy voi có thể đến xâm nhập vào những mảnh ruộng của bạn và chỉ trong 1 đêm, chúng có thể ăn hoặc phá hủy hết nguồn lương thực có thể nuôi gia đình bạn trong 1 năm”. Nghiên cứu này sẽ được công bố trên ấn bản tháng 8/2007 của Tạp chí Hội Âm hưởng học Hoa Kỳ (The Journal of Acoustical Society of America).

Quang Thịnh

Theo AFP, Daily Mail, Life Style Extra, VNN