Một loài khỉ được khám phá trên vùng rừng cao của Tanzania năm ngoái mang đặc điểm độc nhất vô nhị đến nỗi nó được xếp vào một chi hoàn toàn mới – lần đầu tiên trong vòng 83 năm qua.
Rungwecebus kipunji được xếp vào một chi mới. (Ảnh: LiveScience) |
Trong hệ thống phân loại, chi được xếp dưới họ và trên bậc loài.
“Việc phát hiện ra chi mới của nhóm thú được nghiên cứu nhiều nhất lại một lần nữa nhắc nhở chúng ta về lượng kiến thức ít ỏi mà chúng ta thu thập được về sự đa dạng của trái đất“, thành viên nhóm nghiên cứu Link Olson, từ Đại học Bảo tàng Alaska, cho biết.
Ban đầu, loài khỉ châu Phi này, tên khoa học là Rungwecebus kipunji, được xếp vào nhóm Lophocebus dựa trên những bức ảnh do Hiệp hội bảo tồn thú hoang (WCS) chụp được.
Sau đó, khi một con bị bắt và giết trong bẫy của nông dân, người ta mới có cơ hội nghiên cứu nó trực tiếp. Phân tích cấu tạo cơ thể và ADN cho thấy loài này khác biệt đến nỗi nó xứng đáng được xếp vào một chi riêng. Lần gần đây nhất một chi họ khỉ mới được tìm thấy là vào năm1923, với những con khỉ đầm lầy Allen trong bồn địa Congo.
Kipunji có màu nâu xám và một “vương miện” tóc thẳng đứng trên đầu, râu má dài, bụng và đuôi màu kem. Nó đứng cao khoảng gần 1 mét và tạo ra tiếng kêu trầm kỳ lạ được mô tả là tiếng “còi – sủa”. Bộ lông của nó dày và dài để có thể sống được ở độ cao trên 2.000 mét so với mặt biển, nơi nhiệt độ thường xuống dưới điểm đóng băng.
Khỉ Kipunji sống thành từng nhóm, từ 30 đến 36 con đực và cái. Đại bàng và có thể báo là kẻ thù chính của chúng, song con người cũng săn bắt loài khỉ này để ăn thịt. Hiện nay, chỉ còn khoảng 500 cá thể sống trong tự nhiên, và có lẽ sẽ được xếp vào loại “cực kỳ nguy cấp”, cần được bảo tồn nhanh chóng.
T. An
Theo LiveScience, VnExpress