Theo thông tin từ Liên đoàn địa chất – xạ hiếm, hiện tại một số vùng nhiễm xạ tự nhiên ở VN có nhiều người dân sinh sống. Điều nguy hiểm là những vùng này có độ phóng xạ cao hơn mức tiêu chuẩn môi trường cho phép nhiều lần.
Khảo sát tại vùng mỏ Đông Pao, Lai Châu |
Trao đổi với phóng viên hôm 30/6, ông Trần Bình Trọng, Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật của Liên đoàn, cho biết một số vùng nhiễm xạ tự nhiên như xã Tiên An (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) có nhiều người dân sinh sống. Đặc biệt là người dân nơi đây sử dụng giếng nước chứa quặng graphite chứa uranium.
Ngoài ra, còn có vùng đất hiếm Nậm Xe (Lai Châu), Bình Đường (Cao Bằng), Đông Nam Bến Giằng (Quảng Nam) và vùng mỏ đất hiếm Mường Hum (huyện Bát Xát, Lào Cai). Tại Mường Hum, người dân sử dụng đất chứa các nguyên tố phóng xạ để xây tường nhà.
Theo ông Trọng, độ tích tụ năng lượng bức xạ trong một năm tại các vùng nói trên thường ở mức 2-4mSV. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn môi trường Việt Nam, nếu độ tích tụ năng lượng bức xạ trong một năm vượt quá 1mSV thì được coi là không an toàn đối với người dân.
Được biết những vùng nói trên là những vùng lân cận các vùng mỏ phóng xạ và mỏ chứa phóng xạ. Còn những vùng mỏ phóng xạ và mỏ chứa phóng xạ đã được khoanh định và bảo vệ.
Ông Trọng còn cho biết khi các nguyên tố phóng xạ có điều kiện phát tán vào nước, thực vật, không khí…, chúng xâm nhập vào cơ thể qua đường thở và ăn uống, gây xuất liều chiếu trong nguy hiểm. Nói cách khác, các nguyên tố phóng xạ phân rã trong cơ thể, phá huỷ hoặc gây biến đổi mô tế bào, dẫn tới ung thư, gây đột biến gien, quái thai hoặc dị tật cho con cái của người bị chiếu xạ. Nếu bị chiếu ngoài (tia phóng xạ từ bên ngoài môi trường chiếu vào cơ thể) có thể gây bệnh máu trắng…
Về vấn đề này, phóng viên VietNamNet đã liên lạc với ông Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, qua điện thoại di động vào chiều và tối 2/7 song ông Nhân không nhấc máy.
Minh Sơn
Theo VietNamNet