Các nhà nghiên cứu Mỹ và châu Âu tuyên bố vừa phát hiện hàng ngàn ngọn núi mới trồi lên trên hành tinh chúng ta. Tất cả chúng đều cao ít nhất 1,5km.
>>> Núi lửa lớn nhất thế giới nằm dưới Thái Bình Dương
Lí do khiến chúng ta không hay biết về sự xuất hiện của chúng mãi tới hiện nay là vì, tất cả các ngọn núi trên đều tọa lạc ở đáy đại dương. Nhà nghiên cứu Dave Sandwell đến từ Viện Hải dương học Scripps (Mỹ) và các cộng sự đã khám phá ra sự tồn tại của những ngọn núi này dưới nước nhờ sử dụng các vệ tinh radar và cho công bố phát hiện của họ trên tạp chí Science Magazine.
Giáo sư Sandwell cho biết: “Trong các bộ dữ liệu radar thu thập được trước đây, chúng tôi có thể nhìn thấy mọi thứ cao hơn 2km và 5.000 ngọn núi dưới đáy biển. Với bộ dữ liệu mới, chúng tôi vẫn chưa hoàn tất kết quả nghiên cứu, nhưng tôi phỏng đoán là có thể quan sát những thứ cao 1,5km… Số lượng các ngọn núi dưới nước đang tăng lên với cấp số nhân và kích thước giảm xuống. Vì vậy, chúng ta có thể phát hiện thêm 25.000 ngọn núi nữa ngoài 5.000 ngọn núi đã biết”.
Theo các chuyên gia, biết rõ nơi tọa lạc của các ngọn núi dưới nước rất quan trọng đối với việc bảo tồn và quản lý ngành ngư nghiệp, do các sinh vật hoang dã có xu hướng quần tụ quanh những cao điểm dưới đại dương này. Sự gồ ghề của đáy biển cũng quan trọng, vì nó lái hướng các luồng chảy và thúc đẩy sự hòa trộn – các đặc điểm thiết yếu cho việc hiểu rõ cách các đại dương luân chuyển nhiệt và tác động đến khí hậu như thế nào.
Tuy nhiên, vốn hiểu biết của chúng ta về đáy biển rất nghèo nàn, bằng chứng là những khó khăn chúng ta đã vấp phải khi tìm kiếm chiếc máy bay MH370 mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines, vốn được tin là đã đâm xuống phía tây Australia. Vấn đề là, nước biển mặn mờ đục trước mọi kỹ thuật tiêu chuẩn đang được sử dụng để lập bản đồ các ngọn núi trên cạn.
Các máy định vị âm thả từ tàu biển có thể thu thập thông tin có độ phân giải rất cao bằng cách thu – phát phản hồi âm thanh tới các cấu trúc dưới đáy biển. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được ứng dụng khảo sát không đầy 10% các đại dương trên thế giới, vì đòi hỏi quá nhiều nỗ lực liên quan.
Lựa chọn thay thế là một phương pháp gián tiếp, sử dụng các vệ tinh trang bị dụng cụ đo độ cao. Hầu hết các bản đồ trên thế giới về bố cục tổng thể của những ngọn núi dưới đáy biển đều dựa vào phương pháp này. Khám phá mới nhất về sự tồn tại của hàng ngàn ngọn núi dưới đáy đại dương có được nhờ sử dụng các vệ tinh của Hải quân Mỹ và Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu (ESA).
Theo Vietnamnet, BBC