Phát hiện những sinh vật biển lạ

Khiên chắn nhiệt thế hệ mới

Nhóm các nhà khoa học Mỹ chuyên nghiên cứu những vùng biển sâu đã phát hiện tại vùng vịnh Mexico một số loài sinh vật biển, mà theo họ trước nay chưa hề được nhìn thấy.

Nhờ trợ giúp của những camera chuyên dụng, các nhà khoa học đã ghi lại được hình ảnh của những sinh vật biển lạ này. Chúng tự phát ra ánh sáng huỳnh quang bằng một phương thức mà các nhà khoa học chưa từng được biết tới.

Theo lời các nhà nghiên cứu, họ không chỉ tìm thấy nhiều loại sinh vật lạ, mà có lẽ họ đã phát hiện ra nguyên cả một loài (lớp) sinh vật biển mới.

Phát hiện này cho thấy ngay cả những loài sống sâu dưới đáy đại dương, nơi ánh sáng mặt trời không thể chiếu tới được, vẫn có thể tự phát sáng và sử dụng ánh sáng đó để săn mồi và phục vụ một vài mục đích khác.

“Nhưng điều này cũng thật kỳ lạ và khó tin, bởi vì những sinh vật này sống ở độ sâu tới 600 m”- Ông Temmi Frank, trưởng nhóm nghiên cứu, nói.

“Như chúng ta biết, dưới độ sâu như vậy thì chẳng thể tồn tại bất cứ một kiểu ánh sáng nào cả. Những sinh vật đó tự phát sáng, nhưng chúng cần thứ ánh sáng đó để làm gì?” – Ông Edit Uyndde, người đứng đầu Viện Nghiên cứu hải dương học tại Florida (Mỹ), bổ sung.

Hiện tại thì vẫn chưa có được các câu trả lời xác đáng.

Các nhà khoa học còn cho biết thêm, camera được dùng trong lần thám hiểm này có sử dụng ảnh sáng đèn màu đỏ mờ. “Chúng tôi nghiên cứu đáy biển theo một cách mới.

Theo thông lệ, phần lớn trong các lần nghiên cứu đáy biển, chúng tôi thường sử dụng ánh sáng trắng cực mạnh của đèn pha. Một phần là để tránh sự chú ý về phía của chúng tôi cũng như không làm cho các sinh vật dưới biển hoảng sợ” – Ông Frank nói.

Được biết, camera sử dụng trong nghiên cứu này nặng khoảng 90 kg, có thể tự động làm việc không cần sự trợ giúp của các nhà khoa học.

Ngoài ra các nhà khoa học còn lưu ý thêm, cho tới nay chúng ta cũng mới chỉ biết rằng có một số ít loài giáp xác có khả năng tự phát sáng và chúng sống ở nơi có độ sâu không lớn lắm.

Mai Hoa (Theo Inauka)

 

Theo Tiền Phong