Phát hiện san hô ở độ sâu “chưa từng nghĩ đến”

Phát hiện san hô ở độ sâu

Với sự hỗ trợ của một robot, các nhà khoa học Úc khi khảo sát rạn san hô Great Barrier đã phát hiện san hô ở những độ sâu chưa từng được nghĩ đến trước đây, tin tức từ hãng tin AFP ngày 3/1/2013.

>>> Loài san hô kỳ lạ sống trong hang

Một nhóm chuyên gia thuộc Trường đại học Queensland (Úc) đã công bố phát hiện vô tiền khoáng hậu của mình về sự tồn tại của san hô ở độ sâu 125 mét bên dưới mặt nước biển. Cuộc khảo sát được tiến hành trên bề mặt bãi đá ngầm Ribbon, gần eo biển Torres Strait.

Ông Ove Hoegh-Guldberg, trưởng nhóm khảo sát, nói với AFP ngày 3/1 rằng san hô trước nay được cho là chỉ có thể tồn tại ở độ sâu đến 70 mét, nhưng phát hiện trên có thể giúp đem đến sự hiểu biết mới về việc san hô sinh sôi và phát triển như thế nào.


Khung cảnh ở rạn san hô Great Barrier

Các chuyên gia đặc biệt thích thú với việc san hô sinh sản như thế nào ở độ sâu như vậy. San hô nước cạn giao phối trong một sự kiện sinh sản đồng bộ, điều mà chuyên gia Hoegh-Guldberg thừa nhận sẽ rất “khó quan sát” ở độ sâu 125 mét.

“Chúng tôi chưa biết lời giải đáp cho vấn đề đó, có thể chúng đang làm những việc rất khác so với điều mà san hô nước cạn làm”, ông nói.

San hô nước sâu được phát hiện là có thể vượt qua những cơn bão trên bãi đá ngầm tốt hơn nhiều so với đồng loại gần bề mặt. Chuyên gia Hoegh-Guldberg nói rằng nhóm của ông đang xem xét việc a xít hóa đại dương và tình trạng ấm dần lên đang tác động như thế nào đến những rạn san hô nằm sâu hơn dưới biển.

Ông Hoegh-Guldberg cũng cho biết nhóm của ông đã gặp may mắn khi có thể “biệt phái” một robot lặn sâu tiến hành khảo sát. Điều kiện lặng gió bất thường đã cho phép tàu của họ ngừng ở phía có gió của bãi đá ngầm, nơi những con sóng lớn thường cản trở việc tiếp cận.

Cuộc khảo sát đã đem lại một số thành công. Một loạt mẫu vật thu thập được đang được kiểm tra, nhưng ông Hoegh-Guldberg tin chắc sẽ có những loài san hô hoàn toàn mới với giới nghiên cứu khoa học.

 

Theo Thanh Niên