Mẩu thiên thạch khoảng 4,5 tỉ năm tuổi được các nhà nghiên cứu Úc phát hiện tại khu vực sa mạc hồ Kati Thanda – Lake Eyre, Úc.
BBC ngày 6/1 cho biết nhóm nghiên cứu đã đào được thiên thạch này chỉ vài giờ trước khi một cơn mưa lớn xóa sạch mọi dấu vết của thiên thạch và lấp đầy hồ Kati Thanda – Lake Eyre.
Các nhà địa chất Trường ĐH Curtin là Phil Bland và Robert Howie đã dùng 32 máy quay điều khiển từ xa để lần theo dấu vết của thiên thạch bên cạnh máy bay chỉ điểm.
Hai nhà khoa học tìm thấy mẩu thiên thạch gần hồ Kati Thanda – Lake Eyre. (Ảnh: Curtin University).
“Đây là mẩu thiên thạch già hơn cả bản thân Trái đất. Đó sẽ là mẩu đá lâu đời nhất mà bạn từng cầm trên tay. Nó đến từ giữa sao Mộc và sao Hỏa” – ông Bland nói với Đài ABC.
Ông Bland cho biết mẩu đá nhóm ông tìm được là loại đá chondrite hay còn gọi là đá thiên thạch và có thể cung cấp lời giải về sự hình thành ban đầu của hệ Mặt trời cách đây hơn 4,5 tỉ năm trước.
Kati Thanda – Lake Eyre nằm ở phía bắc Nam Úc. Hồ chỉ được lấp đầy nước một vài lần trong một thế kỷ. Khi mưa lấp đầy nước cho Kati Thanda – Lake Eyre thì hồ này sẽ trở thành hồ lớn nhất nước Úc. Một cơn mưa lớn hơn 150mm đã lấp đầy nước cho khu vực xung quanh hồ Kati Thanda – Lake Eyre đầu tháng 1.
Những con sông từ tây nam và trung Queensland sẽ tiếp tục đổ thêm nước cho hồ trong những tháng sắp tới.
Theo Tuổi Trẻ