Phát hiện lần đầu tiên trên thế giới về hai ngôi sao neutron va chạm gây ra một vụ nổ lớn trải dài qua không gian và thời gian được đánh giá là bước đột phá khoa học năm 2017.
Vụ va chạm của hai ngôi sao siêu đậm đặc quan sát được vào ngày 17/8 “đã lần đầu xác nhận một số cấu trúc thiên văn học quan trọng, tiết lộ nơi sản sinh của nhiều nguyên tố nặng và kiểm nghiệm thuyết tương đối tổng quát”, tạp chí Science nhận định trong bài đăng ngày 21/12.
Các chuyên gia cho biết vụ nổ xảy ra cách đây 130 triệu năm ánh sáng đã tạo ra khoảng một nửa số vàng, bạch kim, urani và thủy ngân của vũ trụ.
Các nhà khoa học lần đầu quan sát được vụ va chạm của 2 ngôi sao neutron vào ngày 17/8. (Ảnh minh họa: Carnegie Observatories).
Sự kiện được phát hiện bởi các cảm biến sóng hấp dẫn ở Mỹ và châu Âu cùng khoảng 70 kính viễn vọng và đài quan sát trên khắp thế giới. Theo AFP, việc công bố khám phá vào tháng 10 đã gây chấn động cộng đồng khoa học.
Bản tổng kết các thành tựu hàng đầu trong năm của tạp chí cũng bao gồm việc phát hiện loài đười ươi mới Pongo tapanuliensis với 800 cá thể được cho là đang sinh sống trong một khu rừng hẻo lánh ở Indonesia.
Một phát hiện khác được đề cập là hộp sọ được tìm thấy từ một hang động Maroc vào năm 1961 thực ra có niên đại khoảng 300.000 năm tuổi, nhiều hơn 100.000 năm tuổi so với các loài Homo sapiens (người tinh khôn) từng được biết đến.
Tạp chí cũng ghi nhận một số “thất bại” của giới khoa học trong năm nay, bao gồm quan hệ “rất xấu” giữa cộng đồng khoa học và Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã “từ bỏ thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015, rút lại nhiều quy định về môi trường và kêu gọi cắt giảm ngân sách ở các cơ quan nghiên cứu quan trọng”.
Tạp chí Science được Hiệp hội Mỹ vì sự Phát triển Khoa học, một tổ chức phi lợi nhuận ở Washington, xuất bản và được coi là một trong những tạp chí khoa học có uy tín nhất trong giới học thuật.
Theo Zing