Theo Science Daily, các nhà khoa học Nhật Bản lần đầu tiên đã thành công trong việc tạo ra một robot có khả năng thích nghi nhanh với các tổn thương bất ngờ trên cơ thể. Công nghệ này sẽ rất hữu ích cho các máy móc hoạt động trong điều kiện nguy hiểm.
Robot sao biển, có khả năng thích ứng với những tổn hại bất ngờ chỉ trong vòng vài giây – (Ảnh: Ishiguro-Kano Laboratory).
Thông thường, robot cần một khoảng thời gian đáng kể (vài chục giây) để tổ chức lại sau một thiệt hại vật chất bất ngờ. Các nhà nghiên cứu thuộc các trường đại học Tohoku và Hokkaido đã quyết định dạy cho những máy thông minh biết cách thích ứng nhanh. Để hiểu ý tưởng này có thể được thực hiện như thế nào, họ đã chú ý đến loài sao biển Brittle Star là một trong những loài động vật không xương sống và thường sống trốn trong các rạn san hô vào ban ngày. Loài sao biển này có năm nhánh mềm, nhưng không có hệ thần kinh trung ương phức tạp. Chúng có thể tiếp tục di chuyển ngay cả sau khi mất đi một trong những nhánh và điều phối những nhánh còn lại cho phù hợp.
Trong các thí nghiệm, các nhà khoa học bằng nhiều cách khác nhau đã cắt cụt nhánh của sao biển Brittle Star và sau đó theo dõi hành vi của nó. Kết quả là các nhà khoa học đã có thể phát triển một cơ chế kiểm soát phi tập trung đơn giản cho robot, trong đó mỗi cánh tay chỉ dựa trên bề mặt khi nhận thấy cảm giác đáp ứng. Cơ chế này được thực hiện trong một robot sao biển, có khả năng thích ứng với những tổn hại bất ngờ chỉ trong vòng vài giây. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng phát hiện của họ sẽ giúp phát triển các máy tính đáng tin cậy sẽ hoạt động trong điều kiện bất lợi, như các khu vực thiên tai.
Được biết, các nhà thiết kế chế tạo robot thường lấy cảm hứng từ thiên nhiên. Chẳng hạn, mới đây, một cơ bắp nhân tạo đã được phát triển, tương tự như cơ bắp thật, nhưng có khả năng nâng một lượng hàng nặng gấp 1.000 lần trọng lượng của chính nó.
Theo motthegioi