Phẫu thuật xác chết không cần dao mổ

Phẫu thuật xác chết không cần dao mổ

Một kỹ thuật kết hợp phương pháp hiển thị hình ảnh bằng cộng hưởng từ và phương pháp scanner cho tới nay vốn vẫn được áp dụng cho người sống, được áp dụng để phẫu thuật xác chết mà không cần mổ xác.

Phẫu thuật xác chết không cần dao mổ

Máy Scanner (Ảnh: Virtopsy)

Trong các căn phòng để xác chết, cuộc cách mạng kỹ thuật đã bắt đầu dưới hình thức mổ xác không cần dao mổ. Có tên gọi là Virtopsy, phương pháp này được xem là thành công nhất tại Thụy Sĩ, và nó chính là ý tưởng của người đứng đầu ngành pháp y của Mỹ, Giáo sư Gil Brogdon của đại học Alabama.

Năm 1998, Gil đã báo động cho các đồng nghiệp về sự lo lắng của ông khi thấy Khoa Pháp y có nguy cơ suy tàn, và thấy rõ sự giảm sút số lượng các bác sĩ pháp y cùng những nhà nghiên cứu các vết thương do bệnh tật gây ra, là những chuyên gia duy nhất thành thạo trong việc nghiên cứu xác chết để làm sáng tỏ những nguyên nhân gây tử vong.

Để tạo thuận lợi cho công việc của những người kiên trì chọn hướng đi này, ông đề nghị hiện đại hóa những dụng cụ bằng cách áp dụng phương pháp hiển thị hình ảnh của y khoa. Và lời cảnh báo của Gil đã vang tới tận Berne, Thụy Sĩ, là nơi ra đời dự án Virtopsy về việc thực hiện phẫu thuật không mổ xác.

Về phía Giáo sư Georges Léonetti, bác sĩ pháp y của Bệnh viện Đại học La Timone ở Marseille thì khẳng định: “Rõ ràng là việc phân tích xác chết từ trước tới nay luôn luôn là việc không chỉ được thực hiện 1 lần nếu muốn”. Nó cũng giống như việc khai quật của khảo cổ học vậy.

Những nhà pháp y Thụy Sĩ đã tiến những bước khổng lồ. Phải nói rằng, những phương tiện và kinh phí mà họ có sẵn khá là thuận lợi, với một nền kỹ thuật và những thiết bị hiển thị hình ảnh hoạt động 24/24 giờ được hoàn toàn dành cho công việc này. Kết quả: từ 3 năm nay, hàng trăm ca phẫu thuật không dùng dao mổ và khoảng 50 bài báo được công bố trên những tạp chí quốc tế có uy tín về pháp y.

Tử thi bọc trong bao trong suốt đang được đưa vào máy scanner (Ảnh: Virtopsy)

Bước tiến đó rõ ràng là rất hấp dẫn: sự nhanh chóng, tính tinh sạch, độ chính xác, khả năng gửi đi những hình ảnh qua Internet, việc phân tích từ xa với các chuyên gia khác trong trường hợp nghi ngờ… Đó là chưa kể đến những ích lợi khác như: sự an toàn nếu xác chết có nguy cơ lây bệnh, một cách xử lý dễ dàng trong trường hợp bị từ chối mổ xác vì lý do tôn giáo, và cũng cho ra những tấm ảnh ít gây sốc hơn.

Tóm lại, “một quan điểm vệ sinh rất Thụy Sĩ”, đó là lời bình luận của Tiến sĩ Franck Clarot, bác sĩ pháp y và là chuyên gia chiếu xạ của Bệnh viện Rouen.

Tại Toulouse (Pháp), Tiến sĩ Fabrice Dedouit là chuyên gia pháp y đầu tiên quan tâm nghiêm túc về lĩnh vực này. Được sự đồng ý của chưởng lý Tòa phúc thẩm Toulouse, ông đã tiến hành cuộc nghiên cứu đầu tiên của người Pháp về phương pháp mổ xác không cần dao bằng cách áp dụng phương pháp scanner (đôi khi sử dụng IRM) cho khoảng 40 xác, trước khi cùng tiến hành mổ xác theo phương pháp truyền thống.

Cũng như các đồng nghiệp Thụy Sĩ, ông đánh giá cao chất lượng hình ảnh có được khi chúng cung cấp thông tin rất chính xác đến từng chi tiết về những chấn thương mà các nạn nhân đã chịu.

Tiến sĩ Dedouit nói rõ: “Trước hết, việc hiển thị hình ảnh cho phép chẩn đoán đối tượng mà không cần tác động trực tiếp. Trong trường hợp có những vết đạn bắn, treo cổ, chấn thương trực tiếp ở xương hoặc trên những xác chết đang thối rữa, bị thiêu cháy hoặc bị biến dạng do khí bốc ra khi thối rữa, thì rõ ràng là việc hiển thị hình ảnh tạo rất nhiều thuận lợi cho công việc về pháp y. Bởi vì việc mổ xác thông thường có những hạn chế của nó.

Đối với bác sĩ pháp y, mục tiêu trước hết là việc chẩn đoán, nhưng trong thực hành, nhiều tình huống có thể đặt thành vấn đề. Chẳng hạn, một trường hợp bị nghẽn mạch do khí, nghĩa là có khí trong mạch máu hoặc trong tim. Trong trường hợp rất đặc biệt này, việc mổ xác dứt khoát phải được thực hiện bằng cách mở lồng ngực dưới nước để có thể thấy bọt khí nổi lên. Nhưng rõ ràng là việc đó chỉ có thể thực hiện nếu đã có nghi ngờ.

Phẫu thuật xác chết không cần dao mổ
Hình ảnh thu được từ việc “mổ” bằng máy Scanner (Ảnh: Virtopsy)

Tiến sĩ Dedouit còn giải thích: “Các tử thi luôn luôn được bọc trong các tấm vải trùm mà tia chiếu xạ có thể xuyên qua, cách này tránh khỏi việc lấy xác ra để thao tác khi thực hiện xét nghiệm hiển thị hình ảnh”. Đó là chưa kể đến việc tẩy trùng các căn phòng sau khi tiến hành xét nghiệm.

Việc mổ xác không dùng dao cũng gây nên nhiều vấn đề ít có tính khoa học hơn. Trước hết là vấn đề kinh tế. Trung bình, việc thực hiện scanner và IRM toàn thân phải tốn kém hơn việc mổ xác thông thường tới 300 euro. Hơn nữa, việc tranh cãi cũng xoay quanh vấn đề đạo đức và luật pháp. Cần phải tự hỏi về giá trị có sức thuyết phục của những dữ kiện được cung cấp. Nếu ta cung cấp cho một bồi thẩm đoàn những bằng chứng “dịu dàng” hơn, thì phản ứng của họ sẽ khác đi. Tuy nhiên, thực tế vẫn là thực tế. Do đó, phải lưu ý đến sự quy nạp của tính chủ quan”.

Dẫu sao đi nữa thì phương pháp mới này cũng đã có người ủng hộ. Từ nhiều tháng nay, tạp chí National Geographie đề nghị qua địa chỉ Internet của mình việc mổ xác không dùng dao cho xác ướp của một thiếu nữ người Inca bị hiến tế, được phát hiện tại Peru vào năm 2004

Minh Thu

 

Theo Sciences et Avenir, CAND