Phi hành gia dùng nước tiểu tái chế

Những nhà du hành vũ trụ trên trạm không gian quốc tế ISS bắt đầu được phép uống nước tái chế từ nước tiểu và mồ hôi từ hôm qua.

Trạm không gian quốc tế. Ảnh: Reuters.

“Vị của nó tuyệt lắm”, phi hành gia Michael Barratt (Mỹ), một trong ba người trên trạm ISS nhận xét. Hệ thống tái chế nước tiểu thành nước sạch là thứ rất cần thiết đối với các chuyến thám hiểm sao Hỏa và mặt trăng. Nó cũng giúp Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tiết kiệm nhiều tiền của vì họ không phải đưa nước lên trạm không gian quốc tế bằng tàu vũ trụ hay tên lửa. Nó cũng cho phép 6 phi hành gia có thể cùng sinh hoạt trên trạm ISS (hiện chỉ có 3).

Tàu con thoi Endeavour đưa hệ thống tái chế nói trên lên trạm ISS tháng 11 năm ngoái, nhưng các phi hành gia không thể sử dụng nó ngay vì thiết bị gặp trục trặc. Ngoài ra, các mẫu nước sạch mà hệ thống tạo ra phải được đem về trái đất để kiểm tra chất lượng. Trục trặc đã được khắc phục hôm 18/5, còn kết quả xét nghiệm nước được thông báo vào hôm qua.

Do đó khi NASA thông báo rằng các phi hành gia có thể uống nước tái chế, họ tỏ ra phấn khích. Ba người trên trạm không gian quốc tế nâng ly để chúc mừng các kỹ sư của NASA. “Trước kia tôi luôn nghĩ rằng việc này chỉ có thể xảy ra trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng”, nhà du hành Barratt thổ lộ. Các nhà khoa học của NASA gọi hệ thống tái chế nước tiểu là “một bước tiến lớn trong lịch sử chinh phục vũ trụ”.

Marybeth Edeen, giám đốc dự án chế tạo hệ thống tái chế đã tiết lộ nguyên lý làm việc của nó. Từ toilet, nước tiểu của các phi hành gia được đưa tới một thùng lớn. Tại đây “nguyên liệu” được đun sôi. Hơi nước được thu lại và đưa vào thùng riêng. Phần còn lại bị loại bỏ. Hơi nước bốc lên được trộn với hơi nước ngưng tụ trong không khí rồi đi qua các thiết bị lọc.

Khi có 6 phi hành gia cùng làm việc trên trạm ISS, hệ thống có thể làm ra khoảng 22 lít nước sạch trong vòng 6 giờ. “Nhiều người cho rằng uống nước tiểu tái chế là việc kinh khủng, song trên thực tế thứ nước như vậy đã được sử dụng trên trái đất. Trong thảm họa sóng thần tại châu Á vào năm 2006, những khu vực hứng chịu thảm họa thiếu nước sạch trầm trọng. Người ta đã dùng kỹ thuật tái chế nước thải của chúng tôi để tạo ra nước sạch trong thời gian ngắn”, Edeen nói.

 

Theo VnExpress (AP)