Phi hành gia người Anh đầu tiên lên vũ trụ

Phi hành gia người Anh đầu tiên lên vũ trụ

Phi hành gia Tim Peake làm việc cho Cơ quan Vũ trụ châu Âu NASA, ngày 15/12/2015, đã trở thành nhà du hành vũ trụ mang quốc tịch Anh đầu tiên đặt chân lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).

Tại đây, Peake sẽ làm phận sự “công dân” vũ trụ (sống ngoài Trái Đất) trong 6 tháng. Trước Peake đã có không ít phi công vũ trụ gốc Anh bay lên ISS song lúc đó họ mang quốc tịch Mỹ.

Cùng song hành và lưu trú với Tim Peake trên Trạm ISS còn có hai đồng nghiệp khác, một người Nga Yury Malenchenko và một người Mỹ Tim Kopra.

Tên lửa Soyuz của Nga với số hiệu TMA-19 chở ba phi hành gia trên đây đã rời bãi phóng ở sân bay vũ trụ Baikonur tại Kazakhstan và sau 6 giờ bay đã tiếp cận với Trạm ISS vào lúc 11 giờ 03′ theo giờ GMT (18 giờ 03′ theo giờ Việt Nam) đúng như lịch trình.

Phi hành gia người Anh đầu tiên lên vũ trụ
Tim Peake trong trang phục phi hành gia vũ trụ. (Ảnh: Telegraph).

Trên trạm ISS, bộ ba “tân cư dân vũ trụ” này sẽ cùng sát cánh làm việc với bộ ba “cựu cư dân vũ trụ” khác hiện đang có mặt trên ISS, gồm Scott Kelly của NASA cùng Sergei Volkov và Mikhail Kornienko của Nga. Trong khi đó, ba cựu phi hành gia khác là Kjell Lindgren của NASA, Kimiya Yui của Nhật Bản và Oleg Kononenko của Nga hết nhiệm vụ và sớm quay trở về Trái Đất vào ngày 18/12/2015 tới.

Trạm ISS với tổng mức đầu tư lên đến 100 tỷ USD nhưng chỉ đủ chỗ sống cho 6 người! Trạm bay theo quỹ đạo quanh Trái Đất và cách Trái Đất 400km. Với vận tốc bay khoảng 28.000km/giờ, ISS mất 90 phút để hoàn thành một vòng quay quanh địa cầu chúng ta.

Trạm ISS được phóng lên quỹ đạo vào năm 1998 và mãi 2 năm sau; tức vào ngày 2/11/2000 ISS mới bắt đầu nhiệm vụ với việc được đón 3 phi hành gia đầu tiên gồm Bill Shepard của NASA cùng 2 phi hành gia người Nga Yuri Gidzenko và Sergei Krikalev trong một chuyến làm việc kéo dài 136 ngày.

Đó là đội thám hiểm đầu tiên còn đội thám hiểm hiện nay là đội thứ 45. Như vậy đã có tổng số 45 đội thám hiểm với hơn 220 phi hành gia lần lượt sống và làm việc trên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS này.

 

Theo Vietnamnet