Phơi nhiễm HIV không còn là vấn đề mới. Vừa qua, dư luận xôn xao trước trường hợp 18 y bác sĩ ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội bị phơi nhiễm HIV khi mổ cấp cứu cho một nữ bệnh nhân có HIV đang nguy kịch mà không kịp thực hiện các biện pháp phòng vệ tối ưu. Đây là lời cảnh báo cho chúng ta nên chủ động tìm hiểu những kiến thức về hiện tượng “phơi nhiễm HIV” để có thể phòng tránh nếu khi có nguy cơ bị phơi nhiễm.
Theo báo cáo, người bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp phơi nhiễm HIV trên toàn quốc năm 2014 cho thấy có 951 người bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp, tập trung chủ yếu ở nhóm cán bộ y tế, công an, lao động – thương binh và xã hội, quân đội… Năm 2013, con số này là 914 người. Điều may mắn là trong số tất cả trường hợp này, không ai bị nhiễm HIV.
Phơi nhiễm HIV nên hiểu thế nào?
Phơi nhiễm HIV được hiểu là tình huống tiếp xúc với dịch tiết có khả năng mang mầm bệnh HIV. Trong đó, dịch tiết có nguy cơ lây nhiễm là máu, dịch âm đạo, tinh dịch và sữa mẹ. Một số dịch khác ở cơ thể như mồ hôi, nước mắt, nước bọt, nước tiểu không được xem là có nguy cơ lây nhiễm. Người tiếp xúc có vết thương hở, phần tiếp xúc là mắt, mũi, miệng, âm đạo và hậu môn.
Trong công việc và cuộc sống có rất nhiều hoàn cảnh có thể dẫn tới việc một người bị “phơi nhiễm HIV”. Đó là những trường hợp bị phơi nhiễm cộng đồng. Những câu chuyện không hiếm tại các trung tâm y tế dự phòng, nhiều trường hợp đến xét nghiệm để kiểm tra HIV vì nguyên nhân quan hệ tình dục không an toàn, không sử dụng bao cao su hoặc bao cao su bị tuột, rách hay bị cưỡng dâm. Một số trường hợp khác bị phơi nhiễm HIV do vết thương ngoài bị đâm, dẫm phải kim tiêm đã sử dụng hay vật sắc nhọn nơi công cộng có dính vết máu.
Bác sỹ Nguyễn Văn An cho biết trường hợp của anh T (đề nghị được giấu tên) là trường hợp mà bác sỹ nhớ nhất. Anh T trong một chuyến đi công tác xa đã có quan hệ với gái mại dâm và do cao hứng nên đã chủ quan không sử dụng bao cao su. Sau đó, anh T cảm thấy đau cơ bụng và ngực, thấy có nổi mụn đỏ trên cơ thể và vùng bẹn nên nghi ngờ đến kiểm tra. Kết quả trả về anh T bị phơi nhiễm HIV. Tuy nhiên, bác sỹ An nhấn mạnh rằng, tất cả những trường hợp biểu hiện đau hay nổi mụn không phải là dấu hiệu để nhận biết người đó có bị phơi nhiễm HIV hay không mà tất cả đều phải thông qua xét nghiệm. Trường hợp của T là do trùng hợp và cá nhân anh lo lắng về sự bất cẩn của mình nhưng hối hận cũng đã không kịp.
Còn một trường hợp khác dẫn đến nguy cơ phơi nhiễm HIV cao đó là do nghề nghiệp. Vì đặc thù công việc mà phải tiếp xúc nhiều hơn với các loại dịch tiết có nguy cơ bị HIV đó là bác sỹ và cảnh sát, một số trường hợp nghề nghiệp khác như tình nguyện cộng đồng.
Ở Mỹ, hàng năm ước tính đất nước này có khoảng gần 400.000 trường hợp nhân viên y tế các bệnh viện bị phơi nhiễm HIV do bị kim đâm, tiếp xúc dụng cụ mổ chưa kể các trường hợp bị phơi nhiễm ở các cơ sở y tế nhỏ, lẻ không phải bệnh viện. Ở Việt Nam, một công bố mới đây của Bộ Y tế khiến chúng ta không khỏi giật mình, mỗi năm có hàng nghìn nhân viên y tế, công an bị phơi nhiễm HIV.
Nghề có nguy cơ cao bị phơi nhiễm HIV
Hiện nay, nghề bác sỹ và công an là đứng đầu danh sách có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV ở mức độ cao. Bởi lẽ, không phải trong bất cứ trường hợp nào, bác sỹ và công an cũng chủ động được việc phòng hộ để bảo vệ chính mình trong trường hợp cấp bách.
Chính vì coi trọng tính mạng bệnh nhân mà sự việc ngày 4/7 vừa qua 18 bác sỹ ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội không kịp đeo dụng cụ bảo hộ khi mổ cho bệnh nhân ngay tại phòng cấp cứu. Khi bệnh nhân được cứu sống thì kíp mổ mới biết người bệnh bị phơi nhiễm HIV.
Phơi nhiễm HIV – bạn nên hiểu những thông tin cơ bản. Ảnh minh họa.
Các hành vi gây phơi nhiễm HIV trong ngành y tế thường là do sơ ý trong tiêm truyền đường tĩnh mạch hoặc bắp thịt, sơ ý trong lấy máu, làm xét nghiệm, làm các thủ thuật… Do đó, đối tượng dễ bị phơi nhiễm HIV trong ngành y tế thường là: Các điều dưỡng viên trực tiếp chăm sóc, điều trị; nhân viên trong kíp mổ; nhân viên y tế làm việc tại các khoa cấp cứu và điều trị tích cực; nhân viên khoa xét nghiệm giải phẫu bệnh hoặc các bác sỹ nội khoa.
Còn với lực lượng công an, cảnh sát chuyện bị phơi nhiễm HIV khi bắt tội phạm nhiều không kể hết nhất là trong các chuyên án ma túy. Khi lực lượng công an vây bắt, bọn tội phạm điên cuồng chống trả các chiến sỹ nhằm thoát thân.
Nếu bạn không làm ở hai ngành này, không có nghĩa là không có nguy cơ mắc phải, đó là những trường hợp không may bạn phải va chạm, tiếp xúc với người có HIV trong cuộc sống.
Xử trí khi bị phơi nhiễm HIV
Chúng ta đều biết căn bệnh thế kỷ HIV vẫn chưa có thuốc chữa trị. Cho nên chỉ có biện pháp phòng còn hơn chữa được coi là tối ưu.
Trước hết, người bị nghi là phơi nhiễm HIV không nên quá lo lắng và chỉ được kết luận khi thử máu cho kết quả. Tuy nhiên, khi chúng ta rơi vào những tình huống thì ngay lúc đó phải làm gì.
– Nếu là vết thương hở, hãy xử lý vết thương ngay tại chỗ bằng cách để cho máu chảy tự nhiên, không nặn bóp tránh làm vết thương bị sâu hơn. Sau đó hãy làm sạch vết thương băng cách xối dưới nước sạch và khử trùng vết thương bằng nước muối hoặc nước sát khuẩn y tế. Khi xử lý xong vết thương tại chỗ, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để bác sỹ thăm khám. Bạn hãy nhớ kể cho bác sỹ trường hợp của mình để bác sỹ có lời khuyên và cách xử trí.
Bác sỹ, công an… là những nghề có khả năng bị phơi nhiễm HIV cao. Ảnh minh họa.
– Nên tự chủ động bảo vệ mình nếu cảm thấy mình có nguy cơ tiếp xúc với người bị HIV. Hãy đến ngay cơ sở y tế để xét nghiệm. Chậm nhất là 2-7 ngày kể từ khi tiếp xúc với mầm bệnh.
– Điều trị bằng thuốc ARV (Antiretrovaral) là một loại thuốc được chế ra nhằm làm giảm sự sinh sôi nảy nở của HIV trong cơ thể. Thuốc này dùng không được chậm quá 72 giờ sau khi bị phơi nhiễm và có thể dùng ngay lập tức kể cả chưa có kết quả xét nghiệm. Trong trường hợp này phải điều trị theo chỉ định và theo dõi của bác sỹ.
– Không quan hệ tình dục bừa bãi và không an toàn để tự bảo vệ sức khỏe và tính mạng của mình. Hãy trang bị cho mình những hiểu biết cần thiết. Kể cả khi bạn sử dụng bao cao su vẫn có thể bị phơi nhiễm HIV nếu bao cao su đó không đủ chất lượng hoặc bị rách trong quá trình sử dụng.
– Tránh tiếp xúc với các đối tượng nghiện hút, tiêm chích ma túy. Nên cẩn thận bảo vệ chính mình tránh bị va chạm kim tiêm hoặc vết thương ngoài da có dính máu.
Đặc biệt, bạn nên biết, hiện nay ở nước ta, các trường hợp bị phơi nhiễm HIV trong quá trình làm nhiệm vụ, chuyên môn đều được điều trị dự phòng miễn phí còn các trường hợp bị phơi nhiễm trong cộng đồng thì các đối tượng từ trả chi phí cho mình.
Lazy
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.