Triết lý Thiền thấm nhuần trong nền văn hóa truyền thống Nhật Bản và mọi lĩnh vực đời sống của con người ở xử sở hoa anh đào. Trong việc tạo dựng không gian sống, người Nhật cũng lấy cảm hứng từ lối tư duy hướng đến sự đơn giản và tinh thần gần gũi với thiên nhiên của Thiền. Phong cách thiết kế nhà cửa của Nhật vì thế thường theo trường phái tối giản.
Trường phái tối giản (tiếng Anh: Minimalism) xuất hiện đầu tiên trong lĩnh vực nghệ thuật và âm nhạc, được xây dựng dựa trên triết lý “less is more” – ít hơn là nhiều hơn, hướng đến việc giảm thiểu tối đa những thứ thừa thãi nhằm giữ lại những thứ thật sự cần thiết. Khi được áp dụng trong thiết kế nội thất, phong cách tối giản lại được lấy cảm hứng nhiều từ triết lý Thiền, vì vậy mà Nhật Bản được coi là bậc thầy trong thiết kế nội thất theo trường phái tối giản.
Đi ngược lại tiêu chuẩn trang trí nội thất truyền thống, phong cách nội thất tối giản loại bỏ tối đa trang trí không gian với những chi tiết phức tạp và chỉ sử dụng những vật dụng thực sự cần thiết nhằm giữ được một không gian trống hoàn hảo. Phong cách tối giản coi công năng của sản phẩm là cốt lõi và gọt bỏ tất cả những thành phần rườm rà, theo đó, phong cách này chủ yếu sử dụng những mảng khối mà màu sắc trung tính. Hạn chế đồ đạc, bài trừ sự phong phú trong trang trí, vì thế, không gian theo phong cách này phải được thiết kế rất chặt chẽ về bố cục để tạo nên một tổng thể thống nhất, hợp lý, thoáng đãng và thư giãn.
Căn nhà Nhật Bản dưới đây được áp dụng triệt để theo phong cách thiết kế nội thất tối giản. Người kiến trúc sư đã tìm được cách diễn giải và áp dụng triết lý Thiền trong thiết kế nội thất thông qua việc sử dụng vật liệu, các hình khối và tận dụng thiên nhiên để gây dựng một mối quan hệ sâu sắc giữa môi trường tự nhiên, địa thế và căn nhà.
Không gian thoáng đãng với gam màu trắng, đồ đạc được giảm thiểu, nguồn sáng tự nhiên được tận dụng khôn khéo làm nổi bật nên vẻ đẹp của gỗ và những đường nét thanh thoát của vật dụng.
Ánh sáng tự nhiên được tận dụng triệt để bằng cách sử dụng thay thế nhiều mảng tường bằng kính không màu trong suốt, ánh sáng theo đó chan hòa trên bức tường trắng và gỗ nhạt màu làm xóa nhòa mọi ranh giới giữa thiên nhiên bên ngoài với không gian bên trong và giữa những khu vực khác nhau trong ngôi nhà.
Bên trong căn nhà, cửa ngăn giữa các phòng chủ yếu là cửa kéo truyền thống của Nhật Bản. Tận dụng không gian và dễ dàng phá bỏ vách ngăn không gian, tạo sự liền mạch cho toàn ngôi nhà. Cánh cửa kéo cũng xóa nhòa ranh giới giữa nội thất của phòng ăn với không gian ngoài trời.
Phía trên là gáp xép mang hơi hướng đô thị Nhật thể hiện một lối sống khép kín, êm ả và yên tĩnh.
Tuy được vận dụng triệt để theo phong cách tối giản, không gian sống này hoàn toàn không mảy may gợi vẻ khắc kỷ, mà ngạc nhiên thay, phảng phất vẻ hoài cổ từ những vật dụng vintage được sử dụng trong góc này. Đây có thể được coi là một sự “phá cách”, tuy nhiên hoàn toàn không đi ngược lại theo tiêu chí tối giản, người thiết kế đã khéo léo chọn sàn nhà độc một màu xám và gia tăng những khoảng không bên dưới gầm bàn và gầm ghế.
Phòng cho trẻ con cũng là một nét “phá cách” khác với việc sử dụng gam màu sặc sỡ thay vì màu trung tính có phần không phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
Red (Tổng hợp)
Ảnh: Home Designing
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.