Rạng sáng 4/4 (theo giờ Việt Nam), vệ tinh Sentinel-1A của châu Âu đã được tên lửa đẩy Soyuz-ST của Nga đưa lên quỹ đạo. Vụ phóng được thực hiện từ sân bay vũ vụ Kourou ở Guiana thuộc Pháp.
Khoảng 20 phút sau khi được Soyuz đưa lên vũ trụ, vệ tinh Sentinel-1A đã đi vào quỹ đạo như dự tính.
Sentinel-1A là vệ tinh đầu tiên của chương trình giám sát môi trường mang tên Copernicus do Cơ quan Hàng không Vũ trụ châu Âu (ESA) thực hiện.
Tên lửa đẩy Soyuz đưa thành công vệ tinh Sentinel-1A lên quỹ đạo. (Ảnh: ESA)
Theo ESA, việc phóng vệ tinh này đánh dấu sự khởi đầu cho kỷ nguyên mới trong việc giám sát Trái Đất từ vũ trụ, đồng thời đảm bảo thường xuyên thu thập những dữ liệu cần thiết để bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng những lợi ích chung.
Tuổi thọ của vệ tinh này ước tính ít nhất là bảy năm. Dự kiến, 18 tháng sau khi phóng vệ tinh Sentinel đầu tiên, vệ tinh tiếp theo có tên Sentinel-1B cũng sẽ được phóng lên vũ trụ.
Theo Giám đốc Tập đoàn vũ trụ Arianespace của Pháp, Stephane Israel, đây là vụ phóng thành công thứ bảy bằng tên lửa đẩy Soyuz từ sân bay vũ trụ Kourou, là sự tiếp nối các vụ phóng Soyuz đưa các vệ tinh thuộc hệ thống Galileo của châu Âu vào các năm 2011 và 2012.
Ông Israel nhấn mạnh tên lửa đẩy Soyuz của Nga đảm bảo mang lại thành công bởi chất lượng cao và tính chính xác tuyệt đối.
Cùng ngày, Tập đoàn vũ trụ Arianespace và Cơ quan vũ trụ Nga Roskosmos đã ký thỏa thuận về việc Nga cung cấp 7 tên lửa đẩy Soyuz để phóng vệ tinh từ sân bay vũ trụ Kourou trong giai đoạn 2016-2019.
Việc thực hiện dự án Copernicus có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Liên minh châu Âu (EU) sau khi châu Âu mất liên lạc với vệ tinh thăm dò Trái Đất Envisat vào năm 2012, sau 10 năm hoạt động.
Theo kế hoạch, tới năm 2010, EU và ESA sẽ chi 8,4 tỷ euro (11,5 tỷ USD) cho dự án Copernicus, theo đó sẽ có 17 vệ tinh được phóng lên quỹ đạo trong dự án này.
Theo TTXVN/Vietnam+