Phòng trừ rệp sáp hại tiêu, cà phê

Phòng trừ rệp sáp hại tiêu, cà phê

Rệp sáp (tên khoa học là Pseudococcus sp) có hình bầu dục dài khoảng 4 mm, ngang 2-3 mm, thân có phủ lớp sáp trắng, quanh mình có các tia sáp dài trắng xốp. Rệp càng lớn càng ít di chuyển, di chuyển từ nơi này sang nơi khác chủ yếu nhờ kiến cộng sinh.

Rệp cái đẻ trứng thành bọc có hàng trăm trứng, bên ngoài có lớp sáp trắng bao phủ. Rệp non mới nở màu hồng, trên mình chưa có sáp, chân khá phát triển di chuyển tìm nơi sinh sống cố định.

Vào cuối mùa mưa chuyển sang mùa khô, rệp sáp phát triển tăng dần mật số, là loài sâu hại nguy hiểm cho cây tiêu, cà phê làm cho cây còi cọc, suy nhược, bị hại nặng có thể làm vườn cây lụi tàn và chết.

Rệp sáp gây hại bằng cách:

– Sống tập trung thành từng đám bám chặt vào các ngọn non, cuống lá, gié bông, chùm trái, kẽ cành hoặc mặt dưới lá, chích hút nhựa làm lá và quả héo khô, rụng non. Sau thời gian rệp phát sinh thường có nấm bồ hóng đen phát triển trên chất thải do rệp tiết ra làm đen vỏ quả, mặt lá gây trở ngại khả năng quang hợp của cây.

Phòng trừ rệp sáp hại tiêu, cà phê

Rệp sáp – Pseudococcus sp
(Ảnh: hortnet.co.nz)

– Rệp còn chui xuống đất bám vào hút dịch ở gốc thân, cổ rễ. Khi rệp phá hại lâu ngày ở rễ, chúng cộng sinh với nấm Bornetina ở trong đất tạo thành những vùng u lớn bề mặt xù xì màu trắng xám bao quanh các đoạn rễ, bên trong là một đám rệp đủ các lứa tuổi đang bám chặt vào mặt rễ đã bong tróc hết vỏ để chích hút. Các loài tuyến trùng, nấm bệnh cũng theo các vết thương xâm nhập gây tác hại trầm trọng hơn. Khi rễ bị hại nặng cây rất cằn cỗi, lá vàng rồi héo dần và chết do bộ rễ bị phá hủy không còn khả năng hút nước và chất dinh dưỡng nuôi cây.

Để phòng trừ rệp sáp cần phải:

– Cắt tỉa những cành sâu bệnh, cành già, cành tược nằm trong tán lá để vườn cây thông thoáng.

– Thường xuyên dọn sạch cỏ rác, lá cây mục tụ ở xung quanh gốc để phá vỡ nơi trú ngụ của kiến.

– Dùng máy bơm xịt mạnh tia nước vào chỗ có nhiều rệp đeo bám có tác dụng rửa trôi bớt rệp, đồng thời tạo ẩm độ trên cây làm giảm mật số rệp.

– Thường xuyên kiểm tra 10 ngày/lần để phát hiện sự xuất hiện của rệp sáp ở trên lá, cành, chùm quả, thân, phần thân giáp với mặt đất và phần rễ trong đất. Nếu thấy có rệp dù ở mật số thấp cũng phải diệt trừ ngay vì rệp sáp sinh sản rất nhanh.

– Trừ rệp sáp trên lá và chùm quả: phun thuốc kỹ ướt đều cây, phun hai lần cách nhau 7-10 ngày để diệt tiếp lứa rệp non mới nở.

  • Nurelle D 25/2.5EC, Oncol 20EC :25-30 ml/ bình 8 lít
  • Cori 23EC: 20 ml/bình 8 lít
  • Mospilan 3EC: 15 ml/bình 8 lít
  • Elsan 50EC: 30 ml/bình 8 lít
  • Applaud 10WP: 20-30 g/bình 8 lít hoặc Applaud 25SC: 8-12 m/ bình 8 lít
  • Dầu khoáng Citrole 96.3EC: 40 ml/bình 8 lít

– Trừ rệp sáp hại rễ:

+ Oncol 20EC: Pha 50 ml/10 lít nước, tưới vào vùng rễ 4-8 lít dung dịch thuốc cho một gốc tùy theo cây lớn nhỏ. Nếu đất khô, tưới nước một ngày trước khi tưới thuốc để đất có đủ ẩm độ giúp cho thuốc dễ khuếch tán xuống tới vùng rễ bị rệp sáp gây hại.

+ Lorsban 15G: xới quanh gốc sâu 10 cm, rắc thuốc 20-30 g/gốc,sau đó phủ đất và tưới nước cho cây.

 

Theo Báo Nông nghiệp, Khoa học kỹ thuật nông nghệp