Mức độ phóng xạ của nước bên trong một lò phản ứng thuộc nhà máy điện hạt nhân Fukushima I lên mức “cực kỳ cao”, nước biển gần nhà máy cũng có hàm lượng chất phóng xạ tăng lên.
Các chuyên gia nhận định rằng, khủng hoảng hạt nhân Nhật “còn lâu mới chấm dứt“. Trong khi đó các công nhân đang nỗ lực đưa nước có độ phóng xạ cao đọng trong khu vực lò phản ứng ra ngoài, sau khi có trường hợp công nhân bị bỏng chân do giẫm phải loại nước này. Việclắp đặt cáp để đưa điện vào, khôi phục hệ thống làm mát lò phản ứng vẫn đang tiếp tục.
Hôm nay, các công nhân trong lò phản ứng số 2 vừa phải sơ tán khẩn cấp do nước trong lò nhiễm xạ ở mức độ rất cao, AFP dẫn tin hãng thông tấn Nhật cho biết. Mức phóng xạ trong nước ở đáy lò số 2 đo được ở mức 1.000 msv mỗi giờ. Một liều nhiễm xạ mức 1.000 msv ở người có thể cho thấy những tác động tức thì như buồn nôn và nôn mửa. Mức 100 msv phơi nhiễm một năm trở lên có thể khiến nguy cơ ung thư ở người bị nhiễm tăng cao.
Mức phóng xạ lên mức “cực kỳ cao”
Tepco, công ty điều hành nhà máy điện đã rút lại tuyên bố đưa ra sáng nay, rằng mức độ phóng xạ trong lò cao gấp 10 triệu lần mức cho phép. Họ cho hay đã tính toán nhầm.
Tuy nhiên, các chuyên gia e ngại rằng mức phóng xạ cao như vậy cho thấy nguy cơ lõi lò phản ứng, nơi có các thanh nhiên liệu hạt nhân, đã bị nóng chảy phần nào. Phát ngôn viên cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản nhận xét rằng, mức độ này là “cực kỳ cao“.
Tờ NYT đăng lời bình luận của giám đốc cơ quan an toàn hạt nhân quốc tế Yukia Amano cho rằng, cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật còn xa mới đến hồi kết thúc, có thể hàng tuần thậm chí hàng tháng nữa. Tuy nhiên, ông không phê phán nỗ lực của chính phủ Nhật, mà chỉ thêm rằng “cần làm nhiều việc hơn nữa để chấm dứt vụ việc này“.
Phát ngôn viên chính phủ Nhật Yukio Edano thừa nhận: “Chúng tôi những muốn đặt ra thời hạn rõ ràng, khi nào cuộc khủng hoảng này sẽ được giải quyết, những người đang làm việc tại hiện trường cũng vậy“, ông Edano phát biểu trên NHK hôm nay.
“Nhưng tôi không thể lạc quan hơn, với tình hình hiện nay“.
Mức phóng xạ cao trong nước khiến sứ mệnh giải cứu nhà máy điện hạt nhân thêm khó khăn, khiến nhiều người lo ngại rằng, các thanh nhiên liệu trong lò hoặc các van và ống dẫn đã bị rò rỉ. Một trong những kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra là nhiên liệu trong phần lõi của lò phản ứng – gồm hỗn hợp uranium và plutonium – đã nóng chảy và thoát ra qua lớp vỏ thép chịu áp cao bao quanh nó.
“Nước nhiễm xạ ở nồng độ cao hiện diện trong lò và sau đó tuôn ra biển, gây lo ngại cho sự sống của cá và các loại sinh vật khác“, một chuyên gia của Viện an toàn phóng xạ hạt nhân Pháp lo ngại. “Một giả thuyết đặt ra là có thể vỏ lò phản ứng bị thủng, chất phóng xạ đang thoát ra ngoài“.
Nước ở Thái Bình dương, cách nhà máy khoảng vài trăm mét, hiện có hàm lượng iodine cao gấp 1.250 lần mức cho phép, Công ty điện lực Toyo, bên điều hành nhà máy điện hạt nhân, cho hay. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, mức này chưa đe dọa sức khỏe người ở iodine phân rã khá nhanh, trong vòng 8 ngày. Khi con người ăn phải thực phẩm có nguồn gốc ở khu vực nước biển bị nhiễm, lượng iodine đã biến mất trước đó rồi, một chuyên gia nhận xét.
Tuy nhiên, một nhân tố nguy hiểm khác là caesium-137, có thời gian bán rã hàng chục năm – hiện cao gấp 80 lần mức cho phép. Cả hai loại chất trên nếu thẩm thấu vào có thể gây ung thư cho người.
Lo ngại lượng muối tích tụ trong lò có thể gây ăn mòn các bộ phận hoặc ảnh hưởng đến quá trình thải nhiệt của các bộ phận, các kỹ sư Nhật bắt đầu bơm nước ngọt vào các lò phản ứng. Quân đội Mỹ hỗ trợ công việc này bằng cách chở hai sà lan nước ngọt đến từ căn cứ của họ gần Tokyo.
Nhật Bản đã tăng diện tích khu vực sơ tán quanh nhà máy hạt nhân, từ bán kính 20 lên 30 km. Nước máy ở Tokyo đã được phát hiện là nhiễm xạ cao hơn mức cho phép và không được dùng cho trẻ sơ sinh. Tổ chức môi trường Green Peace tuyên bố đã bắt đầu các quan trắc riêng của mình và đánh giá rằng giới chức sở tại luôn “đánh giá thấp nguy cơ“.
Theo Vnexpress