Các kỹ sư tại phòng thí nghiệm Johns Hopkins vừa phát minh ra một loại động cơ bước hoạt động bằng khí nén, được ứng dụng trong các robot y học giúp lấy sinh thiết của các khối u ung thư và chẩn đoán bằng hình ảnh qua máy MRI (máy chụp cắt lớp cộng hưởng từ).
Không sử dụng điện và được làm hoàn toàn bằng nhựa, cao su và cramic, động cơ này – được đặt tên PneuStep – khá tương thích với máy MRI do an toàn và khá chính xác.
PneuStep gồm 3 piston liên kết với một hệ thống bánh răng. Các bánh răng này quay bằng khí nén và được điều khiển hoàn toàn bằng máy tính đặt bên ngoài máy MRI, giúp nó di chuyển khá vững và chính xác hơn so với tay người.
“PneuStep khá an toàn và giúp robot có thể tiếp cận mục tiêu là các khối u. Điều này sẽ tăng độ chính xác trong việc xác định vị trí và thu thập mẫu mô, giảm sai sót trong chẩn đoán và cải thiện việc điều trị”, các nhà khoa học phòng thí nghiệm Johns Hopkins khẳng định.
(Ảnh: medgadget.com)
Hiện nay việc lấy sinh thiết của một số bộ phận trong cơ thể con người được thực hiện một cách phỏng đoán vì các thiết bị chụp hình ảnh không thể nhìn thấy rõ ràng khối u.
Việc nghiên cứu thành công động cơ này mở ra một hướng trong tương lai là phẫu thuật dưới sự hướng dẫn bằng hình ảnh để tiếp cận mục tiêu tốt hơn; giúp chẩn đoán và điều trị ung thư hiệu quả hơn hiện nay.
MINH ANH
Theo IEEE, Science Daily, Tuổi trẻ