Sau khi sinh mổ, mẹ phải ở bệnh viện ít nhất từ 3 – 5 ngày, thậm chí là lâu hơn để phục hồi sức khỏe. Ngoài ra, còn tùy thuộc vào quy chế của từng bệnh viện mà được phép về nhà sớm hay muộn. Nhưng nhìn chung, đẻ mổ là một loại phẫu thuật lớn. Mọi bệnh viện đều coi trọng việc chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh và sản phụ sau sinh và chỉ cho cả hai mẹ con về nhà sau khi chắc chắn sức khỏe của họ ổn định.
Phục hồi đẻ mổ và chăm sóc sức khỏe
Chảy máu
Mặc dù bạn sinh mổ, bạn vẫn có thể bị chảy máu âm đạo sau sinh. Điều này là bình thường do nhau thai được kết nối với tử cung và khi lấy nhau thai ra, máu sẽ chảy xuống cổ tử cung và ra ngoài âm đạo. Bạn sẽ chảy nhiều máu trong suốt tuần đầu tiên, giống như đến chu kỳ kinh nguyệt. Nếu bạn chưa hiểu rõ nguyên nhân chảy máu ở âm đạo này, bạn có thể hơi sốc khi về nhà. Để phục hồi tình trạng chảy máu, bạn nên hạn chế vận động và dùng băng vệ sinh loại dày cho những ngày này.
Đau
Trong những ngày đầu tiên, bà đẻ có thể sử dụng thuốc giảm đau dưới sự chỉ định của bác sĩ. Hãy tránh vận động để hạn chế thấp nhất các cơn đau, kể cả việc ho, cười, tắm và đi ra khỏi giường.
Vết thương mổ
Vết thương mổ hay còn gọi là đường bikini cần rất nhiều thời gian để phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng về việc kiêng tắm gội trong suốt thời gian phục hồi vết mổ. Theo các chuyên gia, phụ nữ đẻ mổ có thể mặc quần áo chống thấm để bảo vệ khu vực có vết thương hở, sau đó họ có thể tắm gội mà không lo lắng vết thương hở bị nhiễm trùng. Bên cạnh đó, bà đẻ cũng nên chú ý vệ sinh vùng rốn và giữ khu vực này khô, sạch để phòng ngừa nhiễm trùng vùng mổ đẻ.
Khi vết thương bắt đầu lành, tê hoặc ngứa ở vùng bị thương xảy ra thường xuyên hơn khiến bạn khó chịu. Để tránh làm tổn thương vết mổ, bạn không nên gãi hoặc cào xước vào vùng da đang lành. Bạn cũng nên lựa chọn quần áo vải cotton rộng rãi để không tổn thương vùng da bị rạch. Phải mất từ 6 – 10 tuần, vết thương mổ của bạn mới lành lặn hoàn toàn.
Thể dục, dinh dưỡng và ngủ nghỉ
Về vận động thể chất, bạn có thể đi bộ nhẹ nhàng sau vài tuần sinh con để vận động chân tay và cải thiện tinh thần. Hãy bắt đầu đi bộ trong khoảng 5 phút và tăng dần thời gian lên hàng tháng.
Về dinh dưỡng, các bác sĩ khuyên bà đẻ nên bổ sung các loại rau, củ, quả nhiều chất xơ để tránh táo bón và uống nhiều nước bên cạnh việc bổ sung dưỡng chất lấy sữa cho con bú.
Về ngủ nghỉ, hãy cố gắng thư giãn cơ thể và ngủ đủ giấc để không bị suy nhược cơ thể trong 6 tháng đầu.
Cho con bú sau khi đẻ mổ
Bạn nên cho trẻ bú ở các tư thế khác nhau sao cho bạn cảm thấy thoải mái nhất. Tư thế cho con bú cũng tác động không nhỏ đến việc phục hồi vết thương của bạn. Dưới đây là những tư thế được khuyến cáo dùng đối với trường hợp đẻ mổ:
– Ngồi thẳng, gối để ở trên đùi để tránh làm tổn thương vùng bụng của bạn và hỗ trợ em bé nằm sao cho miệng em bé có thể ngậm đầu vú.
– Nằm nghiêng một bên và cho con bú.
– Tư thế cho trẻ song sinh bú: đặt đầu em bé ở đùi có kê gối, giữ tay và chân của em bé hướng ra phía sau lưng, khẽ nâng đùi lên để trẻ ngậm đầu vú và bú.
Kiểm tra sức khỏe sau 6 tuần
Sau 6 tuần, bà đẻ nên đi khám sức khỏe phụ sản để chắc chắn rằng mình đã phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, phụ nữ sinh mổ nên đi kiểm tra sức khỏe bất cứ khi nào nhận thấy các dấu hiệu sức khỏe bất thường.
Nguyễn Mai – Nguồn: RC
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.