Chỉ mất từ 1.000-2.000 đồng/kg, người dân có thêm một phương pháp lọc asen ngay tại nhà bằng cách sử dụng quặng pyrolusite có chứa mangan.
Ngày 23/10, TS. Bùi Quang Cư – Viện Công nghệ Hóa học TP.HCM thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết, sử dụng quặng pyrolusite để loại bỏ asen (thạch tín – As) trong nước là một nghiên cứu nhằm đa dạng các phương pháp xử lý asen trong nước ngầm. Qua đó, nhóm nghiên cứu muốn tìm ra vật liệu rẻ tiền, dễ sử dụng ở quy mô gia đình và an toàn cho người sử dụng.
TS Bùi Quang Cư đang thử nghiệm dùng quặng pyrolusite để loại bỏ asen trong nước. (Ảnh: V. Giang) |
Quặng pyrolusite sử dụng trong nghiên cứu trên là quặng có xuất xứ từ Cao Bằng. Thành phần chủ yếu của quặng là mangan dioxit (MnO2), chiếm từ 40 – 60%. Ngoài ra còn có nhiều hợp chất kim loại khác từ sắt, silic, nhôm… Mẫu quặng được sử dụng bằng cách nghiền thành bột mịn và xử lý nung ở nhiệt độ 400oC. Bột quặng sau đó được cho vào các cốc thủy tinh có chứa dung dịch asen ở nhiều nồng độ khác nhau. Kết quả cho thấy, khi được nung tới 400oC, quặng pyrolysite có khả năng hấp thụ cao nhất lượng asen trong nước.
Ứng dụng pyrolusite để loại bỏ asen trong nước ngầm thực tế cho thấy sau khi xử lý hàm lượng asen trong nước giảm từ 170ppb xuống còn dưới 10ppb ( 0,01mg/lít) theo Tiêu chuẩn Việt Nam và đạt tiêu chuẩn cho nước ăn uống.
Cứ một gam pyrolusite có thể lọc tối đa 0,175mg asen trong một lít nước.
Tuy nhiên, theo TS. Cư, đây mới chỉ là một nghiên cứu bước đầu. Quặng có chứa nhiều tạp chất khác nhau, nên các nhà khoa học cần phải nghiên cứu kỹ hơn để tránh làm thôi nhiễm nguồn nước sau khi đã lọc sạch asen. Nếu là quặng sạch, người ta chỉ cần dùng nước rửa sạch quặng, sau đó nghiền nhỏ và bỏ trực tiếp vào nước. Asen trong nước sẽ được lọc sạch.
Ngoài ra, việc xử lý bột quặng có chứa asen vẫn còn đang được nghiên cứu. Asen là một chất vô cơ, nên không chuyển biến thành các chất khác. Việc xử lý không cẩn thận sẽ trả asen lại vào nguồn nước.
Để xử lý loại bỏ asen trong nước ngầm, người ta sử dụng nhiều phương pháp khác nhau như keo tụ dùng các muối kim loại hư muối sắt, muối nhôm…
Hiện nay, thị trường cũng có một phương pháp để lọc phèn và asen trong nước là cát bọc mangan dioxit ở ngoài (manganised sand) với giá 11USD/kg. Tuy nhiên, loại này chỉ chủ yếu sử dụng cho các nhà công nghệ xử lý nước ở quy mô lớn.
Thống kê chưa đầy đủ cho thấy cả nước hiện có khoảng hơn 1 triệu giếng khoan, trong đó nhiều giếng có nồng độ asen cao hơn từ 20-50 lần nồng độ cho phép (0.01mg/l). Tại châu thổ sông Hồng, những vùng bị nhiễm nghiêm trọng nhất là phía nam Hà Nội, Hà Nam, Hà Tây, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình và Hải Dương. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, cũng phát hiện nhiều giếng khoan có nồng độ asen cao nằm ở Đồng Tháp và An Giang. Trong nước uống, asen không trông thấy được, không mùi vị, nên không thể phát hiện. Sự phát hiện người nhiễm Asen rất khó do những triệu chứng của bệnh phải từ 5 đến 15 năm sau mới xuất hiện. Ngộ độc asen là các bệnh kinh niên do sử dụng nước uống có chứa asen ở nồng độ cao trong một khoảng thời gian dài. Các hiệu ứng bao gồm sự thay đổi màu da, sự hình thành của các vết cứng trên da, ung thư da, ung thư phổi, ung thư thận và bàng quang cũng như có thể dẫn tới hoại tử. (Nguồn: Wikipedia, VietNamNet) |
Hương Cát
Theo Vietnamnet