Vỡ màn hình là một tai nạn không mấy vui vẻ đối với người dùng thiết bị di động. Một trong những nguyên nhân là do trên bề mặt màn hình cảm ứng hay TV đều có tráng một lớp thiếc oxit khá giòn và dễ vỡ.
Nhằm khắc phục nhược điểm này, nhóm các nhà khoa học tại Đại học Akron đã phát triển thành công phương pháp chế tạo màn hình với mạng lưới điện cực trong suốt nhằm chống vỡ màn hình cảm ứng của các thiết bị di động. Công trình nghiên cứu đã được công bố trên tập san của Hiệp hội các nhà hóa học Hoa Kỳ số ra vừa qua.
Trong quá trình chế tạo, các nhà nghiên cứu chuyển màng kim loại dẫn điện và trong suốt thành dạng lưới dưới kích thước nano. Sau đó, “tấm lưới trong suốt” được trải đều lên bề mặt polymer cũng hoàn toàn trong suốt từ đó tạo nên màn hình cảm ứng hoàn chỉnh. Để kiểm chứng độ bền, tấm vật liệu phải trải qua bài test uốn gập lặp đi lặp lại nhiều lần, đồng thời, các nhà nghiên cứu dùng băng dính để kiểm tra xem mạng lưới điện cực có bám dính vào trong màng polymer hay không.
Kết quả cho thấy, khi dán một miếng băng dính và dùng lực bóc mạnh ra đồng thời gập tấm polymer 180 nhưng độ bền vẫn được đảm bảo. Thậm chí, tấm vật liệu vẫn chứng tỏ được độ bền sau khi lặp đi lặp lại quá trình trên hơn 1000 lần.
Dù được chế tạo bằng kỹ thuật hoàn toàn mới, nhưng thế hệ màn hình mới vẫn đảm bảo được độ trong suốt như màn hình tráng thiếc oxit (ITO). Thậm chí, các thử nghiệm so sánh còn cho thấy màn hình mới có độ dẫn điện cao hơn so với những phiên bản trước đây. Hơn nữa, phương pháp mới cho phép sản xuất màn hình cảm ứng với chi phí rẻ và dễ dàng hơn trên quy mô lớn.
Trưởng nhóm phát triển của dự án cho biết: “Chúng tôi hy vọng kỹ thuật này sẽ chính thức xuất hiện trên thị trường như một đối thủ cạnh tranh trực tiếp của màn hình ITO. Vấn đề nứt vỡ màn hình thiết bị di động sẽ được giải quyết một cách triệt để với kỹ thuật mới này trong một tương lai không xa”.