Phương pháp phân biệt tranh giả

Lâu nay các nhà nghiên cứu nghệ thuật cũng đã dựa vào khoa học để phân biệt tranh nguyên bản với tranh chép. Chẳng hạn, họ dùng các tia rơnghen và tia hồng ngoại xác định các chất liệu trên bề mặt bức tranh và từ đó có thể biết được tuổi của tranh. Nhưng năm trước, các nhà khoa học ở Đại học Dartmut (Mỹ) lại tìm ra một phương pháp hoàn toàn mới nhằm thẩm định tính xác thực của một kiệt tác hội họa.

Theo phương pháp này, các bức tranh sẽ được đưa vào máy tính để ghi lại các số liệu về đặc tính của nét vẽ. Những khác biệt nhỏ nhất trong cấu trúc nét vẽ sẽ được máy tính tìm ra giúp người ta phân biệt một kiệt tác đích thực với các bức tranh nhái.

Bước đầu, các nhà khoa học đã thử nghiệm trên các bức tranh nguyên bản của Bruegel để tìm hiểu xem chúng khác biệt thế nào so với rất nhiều bức tranh mà người ta đã chép của ông. Thật thú vị là kết quả mà máy tính đưa ra trùng lặp với ý kiến của những người am hiểu về Bruegel: Trong số các bức họa được đưa vào giám định có tám tác phẩm là tranh “xịn”, còn lại đều là tranh chép.

Sau đó họ lại nghiên cứu bức “Đức mẹ và bốn vị thánh” được cho là của Perugino để làm sáng tỏ vấn đề: họa sĩ đã tự mình vẽ toàn bộ bức tranh hay đã giao một số chi tiết cho các học trò của mình vẽ. Nhiều nhà nghiên cứu thiên về giả thuyết thứ hai và kết quả phân tích trên máy tính cũng cho thấy các nét vẽ thuộc về bốn họa sĩ. Điều này khiến những người Italia vẫn khăng khăng đòi bản quyền cá nhân cho người họa sĩ đồng hương của họ phải e dè hơn.

Bức tranh “Đức Mẹ và bốn vị thánh” của hoạ sĩ Perugino (Ảnh: cs.dartmouth)

Theo giáo sư David Donoho ở Đại học Stanford thì các máy tính làm việc không tồi, nhưng cần phải thẩm định thêm vì số lượng các bức tranh đưa vào thử nghiệm còn quá ít. Nhưng một số chuyên gia khác thì không được lạc quan như vậy. Lorens Kenter, một cán bộ ở bảo tàng Metropolitan cho rằng, máy tính mới chỉ phân tích một vài khía cạnh về bút pháp của họa sĩ mà chưa chú ý đến các yếu tố quan trọng thể hiện tay nghề của họ như cách thức pha màu chẳng hạn. Khi phân tích bức “Đức mẹ và bốn vị thánh” của Perugino,

Các chuyên gia đang xem bức tranh “Đức Mẹ và bốn vị thánh” của hoạ sĩ Perugino (Ảnh: primidi)

Kenter đã đưa ra một nhận định hơi khác so với kết quả từ máy tính. Theo ông, ngoài Perugino, ở đây có sự tham gia của hai họa sĩ nữa, trong đó một người tài nghệ quả là thua xa Perugino, nhưng người thứ hai thì lại trội hơn cả Perugino về kỹ thuật. Việc đánh giá trình độ nghệ thuật như vậy vượt quá khả năng của những chiếc máy tính. Bởi vậy, phương pháp này cần phải hoàn chỉnh thêm nhiều.

Năm 2001, ý tưởng dùng môn toán với các thông số để phân biệt tranh thật với tranh giả đã đến với nhà toán học Daniel Rokmor, một trong các tác giả của phương pháp mới, khi ông này đến Bảo tàng Metropolitan xem cuộc triển lãm các bức tranh gốc của Bruegel bên cạnh những bức tranh chép. Cùng hợp tác với Rokmor là chuyên gia lập trình Hani Ferid, người rất kinh nghiệm trong việc tìm ra những khác biệt biểu thị bằng con số thông qua phương pháp thống kê. Sau khi được Bảo tàng Metropolitan chuyển cho ảnh chụp của các bức tranh, các nhà khoa học đã quét ảnh vào máy để xác định các thông số cho nét vẽ. Tuy nhiên, bước đầu họ chỉ sử dụng ảnh đen trắng vì muốn giới hạn số lượng thông số và chính điều này là điểm yếu mà các nhà nghiên cứu nghệ thuật thấy cần phải khắc phục.

“Tất nhiên, công trình còn chưa hoàn hảo – Giáo sư Rokmor nhận định – Nhưng thật thú vị khi toán học lại có thể giúp chúng ta làm được một công việc mà lâu nay các nhà nghiên cứu nghệ thuật vẫn thực hiện chủ yếu dựa trên kinh nghiệm và trực giác”.

Sau tranh của Bruegel và Perugino, các nhà toán học dự định nghiên cứu Raphael vì đây là danh họa được giới nghệ thuật nghiên cứu nhiều nhất.

Các nhà toán học lấy làm lạ là mãi đến giờ mà giới nghiên cứu nghệ thuật vẫn không dùng đến sự trợ giúp của máy tính. “Các phương pháp thống kê đã được công nhận trong nhiều lĩnh vực, đã đến lúc nên sử dụng chúng cả trong lĩnh vực nghệ thuật” – Giáo sư Donoho nói.

Ngọc Minh

 

Theo Công an nhân dân