Các nhà nghiên cứu tại đại học Michigan mới đây đã giới thiệu một phương pháp nhanh hơn, rẻ hơn giúp phát hiện và lập bản đồ các điểm nóng rò rỉ phóng xạ tại các nhà máy điện hạt nhân. Phương pháp này sử dụng một camera với khả năng bản đồ hóa bức xạ trong thời gian thực.
Lập bản đồ và đo đạc chính xác bức xạ trong một khu vực hạt nhân là công việc mất nhiều thời gian, nhân công, ẩn chứa nhiều nguy hiểm và chi phí cao. Thêm vào đó, các trang thiết bị có độ chính xác cao cần được làm lạnh siêu hàn, chúng thường khá cồng kềnh và hoạt động chậm. Chưa kể là chi phí của thiết bị có thể lên đến 200.000 USD.
Giao diện điều khiển cảm ứng, hiển thị thông tin theo thời gian thực
Giải pháp của đại học Michigan là máy dò Polaris-H. Thiết bị được phát triển dựa trên một công nghệ trình chiếu có khả năng theo dõi những tên khủng bố hạt nhân và cũng đã được công ty H3D thương mại hóa. Polaris-H là một camera bức xạ cầm tay chứa một máy dò tia gamma Cadmium-Kẽm-Tellurium được bảo quản ở nhiệt độ phòng. Thiết bị có độ chính xác cực cao, nhẹ hơn và giá thành chỉ bằng một nửa so với các thiết bị siêu hàn.
Camera trên Polaris-H
Zhong He, giáo sư kỹ thuật hạt nhân và khoa học bức xạ tại đại học Michigan kiêm CEO của H3D cho biết: “Công nghệ này cho phép chúng ta “nhìn thấy” bức xạ. Qua đó, chúng ta có thể phát hiện sớm những dấu hiệu rò rỉ bằng cách xác định bức xạ bất thường và thiết bị có thể trở thành một công cụ để làm sạch rác thải hạt nhân và bụi phóng xạ – các hạt phóng xạ còn lại sau một vụ nổ hạt nhân tại những nơi như Fukushima, Nhật Bản”.
Theo các nhà phát triển, Polaris-H vận hành nhanh hơn nhiều so với các thiết bị trước đây và thực hiện các tác vụ thường phải mất vài tuần chỉ trong nửa giờ. Không chỉ có thể phát hiện sự hiện diện của bức xạ, thiết bị còn có thể tìm chính xác vị trí nguồn bức xạ và cho phép người dùng theo dõi nguồn phát cũng như các điểm nghi vấn khó xác định như bên trong các đường ống dày, các hạt phóng xạ rơi vãi, những thanh nhiên liệu phóng xạ.
Toàn bộ hệ thống nhỏ gọn, có thể mang xách dễ dàng
Chủ tịch H3D – William Kaye cho biết hệ thống không chỉ phát hiện rò rỉ trong một loạt đường ống mà còn phát hiện chính xác đường ống nào tập trung bức xạ cao nhất. Thiết bị hoạt động theo thời gian thực và có thể được thao tác qua một bộ điều khiển cảm ứng với dây kết nối dài 4,5m. Camera được thiết lập đơn giản chỉ với một nút bấm và người vận hành thực hiện công việc từ một khoảng cách an toàn. Trong khi đó, camera sẽ lưu trữ dữ liệu trên một chiếc USB để phân tích sau.
Polaris-H hiện đang được sử dụng tại nhà máy điện hạt nhân Donald C. Cook tại Michigan, viện khoa học cơ bản tại Daejeon, Hàn Quốc, NASA và bộ quốc phòng Mỹ.
Theo Tinh Tế