Quá đơn giản để có “mỹ nhân mào gà”!

hoa mao ga 1
Hoa mào gà có nhiều tên gọi khác nhau như mồng gà, kê công hoa, kê quan hoa… với nguồn gốc tên xuất phát từ chính hình dáng của hoa. Khi nở, cụm hoa xòe ra ở ngọn thành hình quạt, trông giống như mào con gà trống. Các hoa thật tạo thành một phần hình trụ ở phía dưới phần mào đó. Những bông hoa có thể có màu đỏ, hồng, tím, vàng hoặc nhị sắc tùy theo chủng loại. Thông thường loài hoa này sẽ có hai dáng đặc trưng là mào gà búa (có cụm hoa rất lớn, xoắn lại thành hình cầu) và loại thứ hai là hoa mào gà đuôi phượng (có cụm hoa mảnh, kéo dài). Ngoài công dụng làm cảnh ra thì hoa mào gà còn là một bài thuốc quý trong dân gian. Đông Y cho rằng loài hoa này có tính mát, vị ngọt, công dụng thanh nhiệt trừ thấp. Thường dùng để trị các bệnh về huyết như ho ra máu, đau bụng kinh ở nữ giới.
 

hoa mao ga 1
Hoa mào gà búa khá quen thuộc với nhiều người

 

hoa mao ga 2
Trong khi mào gà đuôi phượng lại hay bị nhầm với một số loại hoa khác

Vì là loài dễ trồng và dễ chăm sóc nên các chị em chỉ cần chú ý một chút là có thể tự mình “sản xuất” ra một “tuyệt sắc” ngay trong vườn nhà mình. Em đẹp xin chia sẻ kinh nghiệm giúp bạn có được chậu hoa mào gà như ý bắt đầu từ hạt của chúng: 

Bước 1: Chuẩn bị hạt giống

 

 

Do cấu tạo của hoa mào gà là mỗi chùm hoa được tạo từ nhiều bông nhỏ xinh nên hạt giống cũng sẽ bé xíu. Để thu được hạt giống, đầu tiên chúng ta cần có những bông hoa mào gà già (đã chuyển từ màu tươi sang màu úa).

 

 

 

hoa mao ga 3
Chọn những bông hoa đã già sẽ giúp thu được những hạt giống khỏe nhất

 

 

Sau khi đã chọn lựa được những bông hoa khỏe mạnh, không sâu bệnh để lấy hạt, ta đem chúng đi phơi nắng từ 3 đến 4 ngày để hạt khô lại. Điều này thuận tiện cho việc tách giống và vừa không để hạt bị ẩm mốc.

 

 

hoa mao ga 4
Thành quả của những bông hoa mào gà sau khi hong khô

 

 

Dùng tay vò mạnh hoa khô để hạt của chúng rơi ra, sau đó gom lại đem đi sàng sẩy để cho bay hết bụi cám, phần còn lại chính là những hạt giống trồng. Tất cả đã sẵn sàng để tái sinh thật “tưng bừng”.

 

 

hoa mao ga 5
Ẩn trong lớp hoa khô là những hạt giống bé nhỏ đen bóng

 

hoa mao ga 6
Số lượng hạt thế này đủ để trồng cả một vườn lớn

 

Bước 2: Gieo hạt giống

 

Tuy có thể trồng quanh năm nhưng thời điểm tốt nhất để gieo hạt hoa mào nên là vào mùa hè, khi nhiệt dộ của đất vào khoảng 20 đến 26 độ C. Hãy chuẩn bị những chiếc khay và cho vào đó loại đất hữu cơ trộn một chút phân bón. Trước khi gieo hạt cần phun một lần nước và bón một ít phân lên khay. Gieo hạt theo hàng để dễ quan sát sự phát triển của chúng và tiện cho việc đánh sang chậu mới sau này.

 

hoa mao ga 7
Gieo hạt theo hàng sẽ giúp chúng không chen lấn nhau khi nảy mầm

 

Sau khi gieo, dùng bình phun hay vòi có tia nước nhẹ (dạng sương) phun đều lên khắp khay để tạo độ ẩm. Tránh dùng tia nước có áp lực mạnh vô tình làm trôi hạt.

 

 

hoa mao ga 8
Dùng bình xịt dạng sương phun tạo độ ẩm cho đất

 

hoa mao ga 9

Đậy nắp khay để giữ ẩm lâu dài hơn

 

 

Giữ độ ẩm cho hạt giống bằng cách đậy khay lại và đặt dưới ánh sáng đèn điện để kích thích chúng nảy mầm, tưới nước đủ ẩm từ 2-3 lần/ngày. Nếu điều kiện thuận lợi thì chỉ sau một tuần là những dấu hiệu đầu tiên của mầm sẽ xuất hiện.

Sau khoảng một tuần những chồi non của cây đã bắt đầu tách hạt. Lúc này bạn nên bỏ nắp khay ra để chồi non tiếp xúc với không khí, giúp chúng quen dần với môi trường bên ngoài. Những cây khỏe nhất sẽ phát triển mạnh nhất.
 

hoa mao ga 10

hoa mao ga 11

Sau 2 tuần cây non sẽ có chiều cao khoảng 4 cm

 
Bước 3: Tách chậu

 

 

 

Giờ đến giai đoạn “chuyển nhà” để mau lớn. Khi cây con đạt chiều cao khoảng 6cm, ta tiến hành chuyển cây ra trồng ở chậu lớn hơn. Đừng ngại ngùng loại bỏ những cây còi và yếu (vì khả năng phát triển tốt không cao), hãy chỉ giữ lại những cây khỏe mạnh nhất. Trồng từ một đến hai cây vào mỗi chậu để giúp chúng không quá “mệt mỏi” khi phải tranh giành chất dinh dưỡng trong đất.

 

 

 

hoa mao ga 12

Thời điểm cây con sau khi trồng sang chậu mới đạt chiều cao khoảng 8 cm

 

 

Loài cây này sẽ dễ dàng phát triển tốt khi được cung cấp đủ nước và ánh sáng. Chiều cao của cây từ lúc nảy mầm đến lúc ra hoa đạt từ 40 đến 70 cm tùy theo giống khác nhau. Rễ cây là dạng rễ chùm lan tỏa sang hai bên do đó loại đất thích hợp cho hoa mào gà là loại đất thịt nhẹ, tơi xốp, nhiều mùn. Thỉnh thoảng bạn nên bón bổ sung một ít phân hữu cơ vì cây thích loại đất màu mỡ nhiều dinh dưỡng.
 

hoa mao ga 13
Cây non đáng yêu xanh mơn mởn
 

 

Từ khi cây đạt chiều cao khoảng 40 cm ta nên xới đất một chút để đất thêm thông thoáng. Chú ý chỉ nên vun xới đất khi cây còn nhỏ, không nên vun xới nhiều khi cây đã lớn vì bộ rễ cây đã ăn ngang nhiều nếu xới sẽ đứt rễ. Cây hoa mào gà khi lớn dễ nhận thấy là có thân mềm và phân nhánh. Lá xanh con hình bầu dục, có loại lá màu đỏ thẫm. Sau khoảng 2 tháng kể từ ngày gieo hạt thì cây sẽ có những dấu hiệu nhú ra hoa.

 

hoa mao ga 14
Những bông hoa nhỏ chuẩn bị sẵn sàng vụt lớn để khoe sắc

 

Giai đoạn này ta có thể thấy phần ngọn cây nhú ra những mầm hoa xinh xinh. Đây là lúc cây cần nhiều ánh sáng nhất để kích thích ra hoa, hãy “chiều” cây bằng cách đem ra sân vườn chỗ có thể tắm nắng thỏa thích nhất. Hoa sẽ lớn khá nhanh trong vòng từ 1 đến 2 tuần. Với những giống hoa mào gà khác nhau sẽ cho ra những loại hoa với hình dáng và màu sắc khác nhau.
 

hoa mao ga 15
Thành quả mỹ mãn đạt được một cách khá dễ dàng

 

Vậy là chỉ với một vài bước đơn giản bạn đã có thể có những chậu hoa mào gà tươi thắm đáng yêu tô điểm cho ngôi nhà của mình rồi. Nếu muốn trồng nhiều hơn bạn có thể đánh cây con trồng xuống vườn nhà. Với việc kết hợp nhiều loại hoa mào gà màu sắc khác nhau như đỏ, hồng, vàng, cam… thì khu vườn của bạn sẽ rực rỡ và cuốn hút vô cùng.
 

hoa mao ga 16
Một vườn các “mỹ nhân mào gà” ngập tràn sức sống.

Giống như các loại cây thân mềm khác thì cây hoa mào gà cũng bị một số loại sâu hại như sâu ăn lá, sâu xanh, sâu khoang. Nên chú ý chăm tỉa cây bắt sâu để cây không bị sâu làm hại. Một số loại bệnh mà cây hoa mào gà thường gặp là bệnh đốm nâu, đốm than. Chúng thường làm cho lá cây bị các chấm nhỏ rồi lan rộng ra toàn cây có thể làm cho lá bị héo hoặc thủng lá. Do đó nên loại bỏ hết những lá có dấu hiệu đốm để tránh lây lan ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây.
 

                                      Bài : Tùng Bi
                                      Ảnh: Diane, Gardner
logo smaill
 

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.