Qua Tết này tôi chợt nghĩ “con dâu mãi mãi không phải người nhà”

Qua Tết này tôi chợt nghĩ 'con dâu mãi mãi không phải người nhà'
Tôi lập gia đình, từ một cô gái thành phố cá tính mạnh, tôi đã về nhà chồng, thuộc vùng ngoại ô, sống và chăm sóc bố mẹ chồng. Từ nhà bố mẹ chồng tôi đến công ty tôi là 30km, sáng nào tôi cũng phải dậy sớm, đi chợ, nấu đồ ăn sáng mời hai cụ, sơ chế sẵn bữa trưa, cho vào tủ lạnh để ông bà ở nhà chỉ cần bật bếp nấu là xong. Mọi chi tiêu tôi đều cáng đáng, tiền chồng tôi đưa cho tôi, tôi chi tiêu cho mẹ con tôi thì ít, thuốc thang cho bố mẹ chồng và lo nhà cửa thì nhiều. Mọi việc trong nhà tôi làm hết, từ nấu nướng đến dọn dẹp. Ngày nào cũng như ngày nào, ba năm nay nắng cũng như mưa… Tôi nghĩ, mình muốn bố mẹ đẻ mình được con dâu đối xử thế nào thì hãy đối xử với bố mẹ chồng như thế. Nhà chồng cũng là nhà mình thôi. Bốn năm làm dâu, tôi chưa về ăn tết nhà mẹ đẻ lần nào. Nghĩ thế và làm thế, tôi chẳng phân biệt gì. 
Mẹ chồng tôi chưa bao giờ tỏ một lời khen ngợi, chưa từng tỏ ra thoải mái hay vui vẻ với sự xuất hiện của tôi. Chưa bao giờ khen ngợi một lời nhỏ nhất về việc tôi làm. Chưa từng cảm kích về những món đồ tôi dành dụm tiền mua tặng. Bà tỏ ý tị nạnh một chút với bà hàng xóm cái gì là tôi mua cho bà ngay cái ấy, cho bằng bạn bằng bè. Bà xem quảng cáo điện thoại, xuýt xoa về chiếc smartphone, chồng tôi cũng khẽ liếc mắt sang tôi, hôm sau chúng tôi cũng mua một chiếc điện thoại đa chức năng về đưa cho bà. Đúng là người già trẻ nhỏ bằng nhau, chăm sóc bố mẹ chồng cũng không phải dễ dàng. Nhưng thôi, yêu chồng, thương con, tôi luôn tin tưởng là bà không nói ra một lời nào khen ngợi nhưng trong lòng bà sẽ hiểu…
Qua Tết này tôi chợt nghĩ 'con dâu mãi mãi không phải người nhà'
Tết này, chị gái của chồng tôi về ăn tết. Chị đi làm dâu xa, mẹ chồng tôi thương con nhớ cháu, quanh năm suốt tháng lo lắng cho chị chồng tôi, tôi cũng hiểu. Nhưng mới đây chị li dị chồng chỉ vì anh rể phát hiện chị ăn chơi, cờ bạc. Tuy nhiên vì thương con, mẹ chồng tôi vẫn ngồi khóc lóc chê trách anh rể của chồng tôi là đồ “quá đáng” hẹp hòi! Chưa kể, anh rể của chồng tôi đã chấp nhận chuộc lại cho chị ngôi nhà khi ngôi nhà ấy chị đã gán nợ vì cờ bạc. Vậy mà mẹ chồng tôi luôn chê trách anh “lấy” cả ô tô, cả công ty… Thậm chí nhiều hôm bà lớn tiếng nói anh là đồ bạc bẽo bởi của chồng công vợ.
Nhưng thôi, chuyện chị vừa li dị xong, về đây ăn tết, lấy chút niềm an ủi của gia đình, tôi nghĩ là cũng đúng. Tôi không có chút gì khó chịu hay phiền hà. Dù rằng, vì chị về ăn tết, mẹ chồng tôi bảo tôi mua sắm gấp dăm ba lần những năm trước đây. Bà chẳng đưa tiền cho tôi bao giờ, cũng chẳng giúp đỡ được tôi trong việc gì. Nhưng mọi yêu cầu bà đưa ra tôi đều phải răm rắp nghe theo. Mấy ngày sát tết, trông mong con gái về, bà cứ đi ra đi vào trông ngóng, chấm nước mắt ngắn dài như người ra trận trở về. Tôi im lặng hết, công việc hoàn thành hết, mọi khoản tôi tự chi hết, cũng tự động viên mình, hãy hiểu cho mẹ chồng tôi thương con quá mức. Chị về, việc đầu tiên là lao vào ôm mẹ. Vứt phạch cái vali cho tôi mang vào nhà thu xếp. Rồi mẹ chồng tôi sai tôi đun nước lá thơm cho chị tắm, lấy hoa quả chị ăn, dọn phòng cho chị, hỏi chị thích ăn gì thì nấu. Rồi hai mẹ con chị ôm nhau rúc rích thủ thỉ khóc lóc yêu thương trong phòng suốt từ chiều đến tối, khi tôi bày mâm ra thì ngồi vào ăn cơm…
Ăn xong, tôi dọn mâm. Mang bát vào bếp rửa bát và gọt hoa quả. Chị lúc ấy mới hỏi đến tôi cho có lệ. Chị hỏi tôi chuẩn bị tết nhất đến đâu rồi, tôi chưa kịp nói gì, mẹ chồng tôi đã buông thõng ra một câu dài chê bai. Hóa ra, chỉ là mấy chuyện nhỏ như sợi tóc, bà cũng đều nhớ hết. Bà để bụng tí một dù tôi đã cố gắng đến mức nào đi nữa. Cái lọ hoa tôi làm vỡ, hôm sau tôi mua ngay cái mới về bà cũng nhớ lại rồi chì chiết như thể tôi làm điều gì khủng khiếp. Thuốc men tôi mua về quanh năm không thiếu loại gì, toàn hàng ngoại, bà dùng suốt, nhưng có hộp thuốc chị chồng tôi mua, vừa đưa ra, bà đã xuýt xoa quý hóa. Lại còn so sánh, bảo cái này khác hẳn của con H nó mua! Tôi đứng trong bếp mà rơi nước mắt…
Người ta nói con gái là con người ta. Bố mẹ đẻ tôi đã chấp nhận để đứa con gái yêu thương đi làm con nhà người ta rồi, giờ ở đây tôi cũng bị người ta thản nhiên coi là người ngoài. So sánh, chê bai… Tôi bần thần, tự cảm thấy bao nhiêu cố gắng của mình lại trở thành niềm hối tiếc.
An Nhiên 
Xem thêm:

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.