Giông lốc hình thành do hiện tượng đối lưu rất mạnh trong không khí gây ra, có thể đi kèm sấm chớp hoặc lốc xoáy, mưa đá, với gió giật từ 92 km/h trở lên.
Giông lốc hình thành như thế nào?
Theo NSSL, văn phòng nghiên cứu giông lốc thuộc Cơ quan Hải dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA), giông là hiện tượng mưa to kèm sấm chớp, do đối lưu rất mạnh trong khí quyển gây ra.
Siêu giông làm gãy đôi thân cây, đổ xuống xe ôtô ở Carrollton, bang Illinois hôm 13/6. (Ảnh: Fox2)
Đối lưu hình thành khi mặt đất nóng lên do hấp thu nhiều bức xạ Mặt Trời làm các luồng không khí nóng ẩm bốc lên cao, giao với luồng không khí có nhiệt độ thấp hơn tràn xuống phía dưới.
Một cơn giông trải qua ba giai đoạn là khởi phát, chín muồi và suy tàn. Ở giai đoạn khởi phát, hiện tượng đối lưu tạo nên những đám mây tích, trông như những cột tháp cuộn lên trên, có thể không mưa và đi kèm sét. Ở giai đoạn chín muồi, mây tích tiếp tục phát triển, xuất hiện cột tháp đẩy không khí xuống dưới, mưa bắt đầu rơi. Giai đoạn này có thể xuất hiện mưa đá, mưa rào, thường có sấm sét, gió mạnh và lốc xoáy. Cuối cùng, ở giai đoạn suy tàn, hơi nước trong các cụm mây vơi dần, mưa nhẹ hạt hơn, nhưng vẫn có thể có sét.
Các giai đoạn hình thành cơn giông. Đồ họa: NSSL
Một cơn “siêu giông” là khi nó xảy ra đi kèm mưa đá, hoặc gió giật với vận tốc 92 km/h hay lốc xoáy. Trên thế giới, ước tính có khoảng 16 triệu cơn giông lốc mỗi năm. Lúc nào cũng có khoảng 2.000 cơn giông đang hình thành.
Có khoảng 100.000 cơn giông xảy ra mỗi năm ở Mỹ, 10% trong số đó là siêu giông. Giông thường xảy ra vào các tháng mùa xuân và mùa hè, vào chiều tối, tuy nhiên, chúng cũng có thể xảy ra quanh năm, vào bất cứ thời gian nào.
Ở Mỹ, giông lốc và mưa rào xuất hiện tại nhiều địa phương từ đầu tháng 6. Theo USA Today, nhiếp ảnh gia Kelly Delay chụp lại cơn siêu giông xuất hiện ở Simla, bang Colorado hôm 4/6, với hai cơn lốc xoáy cuốn vào nhau. AP cho biết có ít nhất 8 cơn lốc xoáy đi qua Colorado hôm đó, phá hủy và làm hư hỏng nhiều căn nhà. Còn tại bang Missouri và Illinois, một cơn siêu giông quét qua hôm 13/6 với sức gió gần 180 km/h, cuốn đổ nhiều cây cối, nhà cửa.
Hai cơn lốc xoáy cuốn vào nhau ở Simla hồi đầu tháng 6. (Ảnh: USA Today)
Ở Hà Nội, cuối tuần qua cũng xuất hiện siêu giông hiếm gặp, với sức gió tương đương bão, một số nơi xuất hiện cả lốc xoáy. Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia Lê Thanh Hải đánh giá, hiện tượng này ít có khả năng lặp lại trong thời gian tới. Ông cho biết thêm, siêu giông thường xảy ra ở vùng đô thị, vì nhà cửa bê tông nhiều, hấp thụ nhiều năng lượng mặt trời, tạo ra nhiều đối lưu mạnh.