Các nhà nghiên cứu Australia và Trung Quốc đã sử dụng công nghệ nano để tạo ra loại len tự sạch dưới nắng mặt trời. Nhờ thế, thay vì phải gửi quần áo bẩn đến các tiệm giặt khô, bạn chỉ cần treo chúng lên dây.
Chuyên gia về vật liệu nano, tiến sĩ Walid Daoud từ Đại học Monash ở Melbourne và cộng sự thông báo về phát hiện mới của mình trên tạp chí Hoá học vật liệu tuần qua.
Daoud đã thực sự phát triển được loại sợi cotton tự làm sạch, nhưng ông cho biết việc tạo ra len tự làm sạch là khó hơn nhiều. Đó là vì những sợi len gốc protein có cấu trúc phức tạp hơn sợi cotton có nguồn gốc thực vật, và cũng dễ dàng bị hư hại hơn trước những hoá chất phủ lên chúng.
Nhóm nghiên cứu đã thay đổi bề mặt của sợi len sao cho chúng giữ được một lớp mỏng các hạt titan oxit có kích thước 4-5 nanomét. Các hạt này có khả năng làm sạch tự nhiên dưới ánh nắng. Ánh sáng chiếu vào đó sẽ kích hoạt phản ứng ôxi hoá, giúp phân huỷ các vi khuẩn và chất bẩn mà không làm hư tổn da hay len, cũng không làm đổi màu len.
Thử nghiệm trên len màu và len thô cho thấy các vết bẩn cà phê biến mất sau 2 giờ, vết mực xanh biến mất sau 17 giờ và rượu vang đỏ biến mất sau 20 giờ.
Nhóm hy vọng sẽ áp dụng công nghệ này trên các loại sợi có nguồn gốc protein khác như tơ lụa, cũng như ứng dụng cho ánh sáng trong phòng.
Một ngày nào đó, bạn chỉ cần treo quần áo lên dây phơi dưới nắng, và chúng sẽ tự sạch bong. (Ảnh: Gizmodo.com.au) |
Theo T. An (ABC, Vnexpress)