Quản lý, bảo vệ vườn Quốc gia Bái Tử Long

Vườn Quốc gia Bái Tử Long, huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng và giữ gìn đa dạng sinh học quần thể động thực vật.

Năm 2005, Ban quản lý Vườn Quốc gia đã phối hợp với huyện Vân Đồn triển khai xác định ranh giới Vườn Quốc gia cả trên bản đồ lẫn trên thực địa; tổ chức cắm 27 mốc giới xác lập bản đồ Vườn Quốc gia với 5 xã nằm trong khu vực bảo tồn và vùng đệm của Vườn Quốc gia là Bản Sen, Quan Lạn, Minh Châu, Hạ Long và Vạn Yên. Cùng với việc lập và bố trí thêm 4 trạm kiểm soát chốt tại khu vực Lỗ Hố, Minh Châu, C15 và bố trí 3 tàu thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát trên dọc tuyến biển nhằm ngăn chăn kịp thời các hiện tượng xâm hại đến Vườn Quốc gia như khai thác gỗ trái phép, săn bắn các loài động vật quí hiếm.

Ban quản lý Vườn Quốc gia rất chú trọng công tác tuyên truyền tới cộng đồng dân cư sống gần khu vực vùng đệm Vườn Quốc gia như mở lớp tập huấn cho 100 lượt người dân tham gia học tập nâng cao ý thức chấp hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trong Vườn Quốc gia; xuất bản 4 bản tin tư liệu thông tin về Vườn Quốc gia; phối hợp với tổ chức Frontier-Việt nam và Phòng Giáo dục huyện Vân Đồn xây dựng chương trình giáo dục môi trường và đưa vào giảng dạy cho học sinh khối lớp 6 thuộc địa bàn tại 5 xã với 8 bài giảng thu hút trên 320 giáo viên và học sinh tham gia. Trong công tác bảo tồn và nghiên cứu khoa học, Ban quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long và tổ chức bảo tồn động vật hoang dã thế giới (FFI) đã triển khai 4 lớp tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ nhân viên trong Vườn Quốc gia về các chương trình nghiên cứu đa dạng sinh học kết hợp với khai thác bền vững các hoạt động du lịch sinh thái.

Ban quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long đã phối hợp với tổ chức Frontier-Việt Nam, các chuyên gia, kỹ sư, sinh viên nước Anh, các cán bộ của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Sinh thái Tài nguyên thực hiện 2 dự án “Nghiên cứu đa dạng sinh học rừng Vườn Quốc gia Bái Tử Long“ và “Nâng cao nhận thức đa dạng sinh học vùng vịnh Bái Tử Long“. Chương trình đã thu được kết quả tốt, đến nay đã xác định tại Vườn Quốc gia có trên 178 loài thực vật thuỷ sinh 119 loài cá, 132 loài động vật không xương sống, 106 loài san hô trú ngụ, sinh trưởng tại vùng biển, bãi triều, vụng áng và hàng chục loài chim săn mồi đặc hữu như: diều hâu Miến Điện, chim ưng Nhật Bản, diều hâu đen, chích chòe lửa, bìm bịp lớn, đớp ruồi Hải Nam…

Hiện nay Ban quản lý Vườn Quốc gia đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan nghiên cứu trong nước từng bước tiến hành các nghiên cứu sâu hơn về hệ thực vật và động vật rừng biển để bảo tồn tốt hơn; tiếp tục tập trung điều tra giá trị đa dạng sinh học biển, nghiên cứu bảo tồn loài thuỷ sản quí hiếm như bào ngư, hải sâm… tại phía đông đảo Ba Mùn. Phối hợp với Hội Nông dân xã Minh Châu bảo tồn nguồn lợi sá sùng là loài hải sản quí hiếm trong vùng; khai thác tốt nguồn vốn trồng rừng 661 của Trung ương để trồng 4 héc-ta cây trâm tại xã Minh Châu, 16 héc-ta thông nhựa và thông mã vĩ tại Soi Nhụ. Phấn đấu hết năm 2005 đưa độ che phủ rừng trong khu vực rừng nguyên sinh Vườn Quốc gia Bái Tử Long đạt trên 95%.

Vườn Quốc gia Bái Tử Long được thành lập trên cơ sở chuyển hạng khu Bảo tồn thiên nhiên Ba Mùn theo quyết định 85/2001QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có tổng diện tích 15.783 héc-ta, trong đó diện tích rừng và đất rừng là 6.125 héc-ta với trên 40 hòn đảo lớn nhỏ và 9.650 héc-ta diện tích mặt nước biển, vụng áng, bãi triều ngập nước. Các loài động thực vật sinh sống trong vườn rừng và vùng biển tại khu vực Vườn Quốc gia rất phong phú, một số loài có giá trị cao về nghiên cứu khoa học, về bảo tồn gien. Vườn Quốc gia Bái Tử Long còn là khu bảo tồn về cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn về văn hóa lịch sử với các di chỉ khảo cổ về người Việt cổ và dấu tích một thương cảng Vân Đồn sầm uất trước đây.

Lại Minh Đông

 

Theo Thiên Nhiên Việt Nam