Chớp mạnh có thể là tiếng chuông cảnh báo của những cơn lũ sắp xảy ra, các nhà khoa học khẳng định.
Theo thống kê của Cơ quan khí tượng thủy văn Mỹ, lũ lụt gây ra nhiều cái chết hơn sét, bão và lốc trong 30 năm qua. Tuy nhiên, nếu nắm vững mối liên hệ giữa chớp và lũ, chúng ta có thể tránh được nhiều cái chết đáng tiếc.
Các nhà khoa học của Đại học Tel Aviv (Israel) và nhiều chuyên gia quốc tế khác tiến hành một nghiên cứu về mối liên hệ giữa chớp và lũ nhanh trong 3 năm. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, năng lượng phát ra từ các tia chớp tỷ lệ thuận với cường độ của những cơn sấm, sét và mưa xảy ra trong vài giờ sau đó. Như vậy, thông qua việc đo đạc bức xạ do các tia chớp phát ra, người ta có thể xác định những cơn sấm, sét và cơn mưa dữ dội.
Phương pháp này được gọi là dự báo tức thời có thể được áp dụng để dự đoán đường đi của bão và những nơi sẽ có mưa lớn trong vài giờ. Những thông tin có được từ phương pháp dự báo tức thời giúp cơ quan khí tượng thủy văn ra cảnh báo sớm về đường đi của lũ và những nguy cơ tiềm ẩn.
Nhóm nghiên cứu cho rằng cơ quan dự báo thời tiết nên đưa các bản đồ dự báo lũ lên mạng Internet. Hệ thống đó phải có chức năng gửi tin nhắn cảnh báo tới các điện thoại, thiết bị định vị toàn cầu và các thiết bị khác.
Lũ quét xuất hiện đột ngột khi một lượng nước mưa lớn đổ xuống trong một khoảng thời gian cực ngắn (chẳng hạn như vài giờ). Hiện tượng này thường xảy ra khi một hệ thống bão di chuyển chậm hiện diện tại một khu vực trong thời gian dài, hoặc khi nhiều hệ thống bão cùng kéo tới một khu vực.
Khi mưa rơi quá nhanh và nhiều, mặt đất và các dòng chảy sẽ không kịp “nuốt”. Nước dâng lên và bắt đầu xâm chiếm các vùng đất gần các dòng chảy. Lũ cũng hình thành rất nhanh ở những khu vực đô thị thấp, bởi phần lớn bề mặt đô thị bị bao phủ bởi bê tông, mà bê tông không hấp thụ nước như đất.
Theo VnExpress (Livescience)