Quản trị thảm họa, việc cần phải học

Thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra các thảm họa tại rất nhiều nơi trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Chẳng hạn, động đất và sóng thần rồi sau đó là thảm họa hạt nhân tại Nhật Bản. Ở Việt Nam, mới đây nhất là thảm họa đắm tàu du lịch Dìn Ký tại tỉnh Bình Dương.

Con người, trong đời sống xã hội, luôn phải đương đầu với các rủi ro, thậm chí phải chấp nhận chúng. Nhưng từ việc chấp nhận một rủi ro đến việc để xảy ra một sự cố, thậm chí một thảm họa lại là một chuyện khác. Đó chính là công việc của nhà quản trị thảm họa. Vậy, làm thế nào để quản trị thảm họa?

Muốn quản trị thảm họa tốt cần nghiên cứu và xác định nguyên nhân thảm họa. Nguyên nhân có thể do thiên nhiên, cũng có thể do con người gây ra, hoặc có thể là kết hợp cả hai nguyên nhân này. Xem xét một cách chi tiết hơn thì có rất nhiều yếu tố để xảy ra một thảm họa, như kỹ thuật, con người, tổ chức, quản lý… Các yếu tố này có mối quan hệ mật thiết và tác động qua lại lẫn nhau.

Một trong những đặc điểm của các tổ chức không có kế hoạch quản trị thảm họa là tồn tại những quan điểm hết sức sai lầm như cho rằng thảm họa là cái tất yếu xảy ra và họ trông chờ vào sự giúp đỡ của các tổ chức cứu hộ; hoặc cho rằng tổ chức đó đủ sức kiểm soát phòng ngừa mọi thảm họa. Đây là những nguyên nhân sâu xa dẫn đến thảm họa và những thiệt hại nặng nề khi thảm họa xảy ra.

Thảm họa sóng thần Nhật Bản.

Mặc dù có rất nhiều loại thảm họa, nhưng dù là thảm họa gì thì công tác quản trị thảm họa cũng cần trải qua 5 giai đoạn: Phát hiện dấu hiệu, nhận dạng thảm họa; kiểm soát, phòng ngừa; xử lý, hạn chế tổn thất; phục hồi sau thảm họa; và rút kinh nghiệm, phòng tránh thảm họa tái diễn hoặc tương tự.

Bất cứ thảm họa tiềm ẩn nào cũng xuất hiện dấu hiệu mà con người có thể nhận biết, nếu được quan tâm thích đáng thì sẽ ngăn chặn hoặc giảm thiểu những thiệt hại do thảm họa gây ra.

Những vụ đắm tàu ở nước ta vừa qua có quá nhiều dấu hiệu thảm họa đã xuất hiện, như tàu cũ, sử dụng không đúng công năng chở người, chở quá tải, không có đủ phao cứu sinh hoặc được thiết kế mới nhưng thiết kế không bảo đảm tiêu chuẩn… nhưng các dấu hiệu này đã không được quan tâm xử lý thỏa đáng nên đã dẫn tới thảm họa chìm tàu. Hay như trường hợp “Thảm kịch phi thuyền con thoi Challenge” hoặc vụ nổ máy bay Concorde, ta có thể thấy đây là những ví dụ điển hình khi các dấu hiệu báo trước không được quan tâm. Nếu NASA quan tâm đến ý kiến của các nhà kĩ thuật về độ an toàn của phi thuyền và cho kiểm tra lại, thì lịch sử hàng không vũ trụ thế giới sẽ không phải ghi lại dấu ấn đau buồn “Thảm kịch Challenge”. Nếu các hãng hàng không quan tâm đến lời cảnh báo của Cơ quan đặc trách an toàn giao thông (NTBS) Hoa Kỳ về những trục trặc ở bánh xe của máy bay Concorde, thì đã không có thảm họa nổ máy bay Concorde ngày 25/7/2000.

Cũng có thể nói, mọi sinh hoạt hoặc lao động sản xuất, kinh doanh không ít thì nhiều luôn tiềm ẩn những dấu hiệu thảm họa. Trách nhiệm của nhà quản trị thảm họa là phải kiểm soát để ngăn ngừa thảm họa không xảy ra, hoặc nếu không tránh được thì hạn chế thấp nhất tổn thất về con người, môi trường và tài sản. Vì thế, các nhà quản trị thảm họa phải làm hết sức mình để ngăn chặn thảm họa đồng thời phải chuẩn bị các phương án đối phó với thảm họa nếu không thể ngăn chặn nó. Một tổ chức được xem là làm tốt công tác quản trị thảm họa thì họ sẽ tiến hành lập ban quản trị thảm họa (CMT – Crisis management team), lên kế hoạch quản trị thảm họa, lập các phương án ngăn chặn, đối phó với thảm họa, chuẩn bị trang thiết bị và tổ chức đào tạo, huấn luyện cho các thành viên CMT và những người có liên quan.

Với sự chuẩn bị như vậy, các nhà quản trị thảm họa có đủ điều kiện để tìm mọi biện pháp ứng phó với tình trạng khẩn cấp, ngăn chặn, cô lập, phân tán, giảm thiểu tổn thất và vô hiệu hóa thảm họa.

Thảm họa nếu đã không tránh được, khi đã xảy ra, thì phải nhanh chóng giảm thiểu thiệt hại của nó bằng các nỗ lực cấp cứu người bị nạn một cách khẩn trương và đúng cách, sau đó mới là bảo vệ môi trường và tài sản. Việc khoanh vùng sự cố bán kính 20 km tại nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản hiện nay là một ví dụ.

Tuy nhiên, sau khi thảm họa xảy ra phải có các chương trình phục hồi nhằm bình thường hóa hoạt động của cộng đồng, doanh nghiệp; chẳng hạn như dự phòng về sản xuất, hệ thống thông tin, liên lạc, máy móc, thiết bị và các điều kiện sản xuất khác…

Chính nhờ làm tốt giai đoạn phục hồi, nên ngân hàng First Interstate ở Los Angeles đã có thể lập tức trở lại hoạt động giao dịch bình thường ngay sau hỏa hoạn, vì ngân hàng này đã dự định sẵn vị trí hoạt động thay thế và hệ thống máy móc trước đó, trong phương án quản trị thảm họa.

Sau một thảm họa, còn một việc rất cần thiết nữa là các tổ chức quản trị thảm họa cần rút ra những bài học bổ ích từ kinh nghiệm của chính mình và của các tổ chức khác. Người ta tiến hành kỹ lưỡng các công việc như kiểm tra các công việc đã làm rồi phân tích, rút ra các bài học kinh nghiệm để trao đổi với các tổ chức khác; đồng thời lập kế hoạch phòng ngừa thảm họa, tránh các thảm họa tái diễn hoặc tương tự xảy ra trong tương lai.

Muốn làm tốt công tác quản trị thảm họa, cần thiết phải có những chương trình đào tạo về công tác này. Chương trình trước mắt có thể là bổ túc ngắn hạn. Tầm nhìn xa hơn là có chương trình đào tạo ở bậc đại học. Không phải chỉ là quản trị khủng hoảng và rủi ro tài chính, không chỉ là phòng cháy, chữa cháy (dù Việt Nam đã có trường ĐH PCCC), cũng không chỉ là chương trình đào tạo về bảo hộ lao động bậc đại học, lại càng không phải chỉ là những học phần về an toàn lao động trong các trường cao đẳng, đại học hoặc một vài tiết về quản lý sự cố môi trường nếu nó may mắn có được chỗ đứng trong chương trình đào tạo của học phần quản lý chất thải nguy hại ở một trường đại học nào đó.

Theo hiểu biết của chúng tôi, nhìn ngay trong khu vực, các nước xung quanh ta cũng đã có chương trình đào tạo sau đại học về lĩnh vực quản trị thảm họa.

TS Lý Ngọc Minh

 

Theo Tin Tức