Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang vừa công bố “Phê duyệt Quy hoạch hệ thống năng lượng huyện Phú Quốc giai đoạn 2011-2020, hướng đến năm 2030” của Bộ Công Thương.
Theo quy hoạch hệ thống năng lượng này, từ năm 2013 tập trung đầu tư trên cơ sở triển khai thực hiện giải pháp đồng bộ cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của huyện đảo Phú Quốc; kéo cáp ngầm 110kV xuyên biển để cấp điện cho đảo Phú Quốc từ nguồn điện lưới quốc gia; tăng cường phát triển nguồn và lưới điện, đảm bảo cấp điện ổn định, chất lượng ngày càng tăng.
Trong chiến lược phát triển nguồn năng lượng cho Phú Quốc, ưu tiên phát triển và ứng dụng công nghệ khai thác sử dụng năng lượng tái tạo ở các cấp độ khác nhau.
Trước mắt, nguồn phát điện sử dụng nhiên liệu diesel vẫn là nguồn cấp chủ yếu của huyện đảo cho đến khi tuyến cáp ngầm xuyên biển 110kV Hà Tiên – Phú Quốc hoàn thành đưa vào vận hành sẽ giảm nguồn phát điện từ diesel. Nghiên cứu sử dụng nhiệt điện chạy bằng than, nhiên liệu khí, điện gió và nguồn điện mặt trời. Đến nay, tuyến cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên – Phú Quốc đã thực hiện công tác đấu thầu gói thầu EPC và dự kiến dự án này sẽ hoàn thành đưa vào vận hành trong năm 2014.
Theo Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 3 – EVNPECC3 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN), hiện tại Nhà máy điện Phú Quốc có 3 cụm phát điện, với tổng công suất lắp đặt 21.285kW, công suất khả dụng 16.600kW.
Để tập trung nguồn lực đầu tư, từ nay đến năm 2015, EVN lựa chọn phương án phụ tải thấp để thiết kế quy hoạch hệ thống năng lượng cho Phú Quốc; từ sau 2015 đến 2020 sẽ chọn phương án cơ sở để thiết kế các công trình nguồn và lưới điện truyền tải, phân phối của huyện đảo; từ năm 2021-2030 sẽ chọn phương án phụ tải cao.
EVNPECC3 dự báo nhu cầu tiêu thụ điện thương phẩm bình quân trên đảo Phú Quốc (phương án cao) từ nay đến năm 2015 là 1.386kWh/người/năm (bình quân cả nước là 1.196kWh/người/năm); đến năm 2020 là 2.614kWh/người/năm (cả nước 1.897kWh/người/năm) và đến năm 2020 khoảng hơn 4.200kWh/người/năm.
Theo Vietnam+