Rác đại dương thu hút các nhà thám hiểm

Rác đại dương thu hút các nhà thám hiểm
Không có được nét quyến rũ như Nam Cực hay đỉnh Everest, nhưng núi rác Thái Bình Dương với kích thước bằng hai lần bang Texas lại đang là điểm đến của các nhà thám hiểm mùa hè này.

Vùng rác Đông Thái Bình Dương, nằm ở vùng nước xa giữa California và Hawaii, được tạo ra bởi dòng chảy đại dương thu gom hàng triệu tấn chất dẻo phế phẩm trên thế giới.

Hàng năm có tới 10% trong số 260 triệu tấn chất dẻo sản xuất ra trôi nổi trên các đại dương sau khi đã qua sử dụng, phần lớn số này tập trung ở những vùng xoáy rác như vùng rác Đông Thái Bình Dương chẳng hạn.

Mùa hè này, hai đoàn thám hiểm riêng rẽ sẽ giăng buồm đi tới vùng rác kể trên để ghi lại mức độ nghiêm trọng của vấn đề và kêu gọi sự chú ý về thảm họa ô nhiễm đại dương này từ cộng đồng quốc tế.

“Mỗi người khi tới bãi biển đều có thể nhìn thấy chất dẻo vương vãi, ngay cả ở những vùng tưởng như xa xôi nhất,” Doug Woodring, trưởng dự án Kaisei, một dự án phi lợi nhuận nhằm bảo vệ đại dương, cho biết.

Con tàu New Horizon dài 53m thuộc sở hữu của Viện Hải dương học Scripps thuộc đại học California tại San Diego sẽ rời San Diego cùng các thành viên nhóm Kaisei vào ngày 2/8. Tiếp đó, tàu Kaisei dài 46m cũng sẽ ra khơi từ San Francisco vào ngày 4/8.

Liều thuốc độc đối với hệ sinh thái biển

Mặc dù nhìn vào vùng mênh mông rác này có thể khiến chúng ta phải giật mình về cách con người đối xử với môi trường, nhưng bạn nên nhớ không phải toàn bộ rác đều đã nổi trên tầng bề mặt.

Tới 70% chất dẻo ở đây đã chìm xuống tầng sâu của đại dương – ngoài tầm mắt, nhưng không ngoài hệ sinh thái Trái đất.

Phần lớn chất dẻo đã vỡ vụn ra thành các mảnh nhỏ tràn ngập trong nước biển và trở thành một liều thuốc độc đối với hệ sinh thái biển.

Vô số những con chim và cá đã chết vì nhầm tưởng những mảnh vụn này là thức ăn và nuốt chúng vào bụng.

Rác đại dương thu hút các nhà thám hiểm
Rác đại dương thu hút các nhà thám hiểm (Ảnh : .nationalgeographic.com)

Jim Dufour, một cán bộ viện Scripps, đang đề xuất dự án Kaisei tính toán cụ thể khối lượng và tính chất của rác ở vùng này.

“Chúng ta cần các phân tích hóa học và thống kê xem bao nhiêu chất dẻo đã lắng xuống nước và tầng đáy đại dương, bao nhiêu chất dẻo đã vỡ thành những mảnh vụn và chui vào bụng các loài sinh vật biển,” Dufour nói.

Dự án cũng sẽ xem xét các phương án dọn dẹp bãi rác này, công việc khó khăn hơn nhiều so với dọn rác trên đất liền.

“Đây là một thử thách. Có vô số sinh vật biển đang sống bên dưới và lẫn trong cả đám rác rưởi kia. Nếu đơn thuần giăng một tấm lưới lớn để vớt bỏ đống rác này, bạn đồng thời sẽ kết thúc sự sống của rất nhiều loài sinh vật mà trước nay con người vẫn ra sức bảo vệ.”

Ngay từ nơi xuất phát

Woodring, một thành viên tham gia dự án Kaisei, nhấn mạnh rằng trong nỗ lực ngăn chặn chất dẻo tiếp tục tấn công đại dương thì các điều luật trừng phạt xả rác xem ra không mấy hiệu quả so với việc tích cực thu gom và xử lý rác thải ngay từ nơi xuất phát của chúng.

80% các dòng rác đại dương xuất phát từ đất liền, Woodring giải thích.

“Chúng đến từ các sông, suối, mương, rãnh và bãi biển.”

“Ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, người ta vẫn chưa có cách xử lý đối với chai lọ nhựa và túi ni-lông, những phế phẩm có mặt khắp nơi trong đời sống hàng ngày.”

Dự án Kaisei hi vọng bằng cách nào đó sẽ đem lại giá trị cho những chất dẻo phế phẩm này, đặc biệt là phần chất dẻo chưa từng được con người tái chế.

Các công nghệ chuyển hóa chất dẻo thành nhiên liệu, vải vóc, hoặc nhựa có ích có thể khiến người ta thu gom chất dẻo và biến nó thành một nguồn lợi kinh tế.

“Điều này rất khả thi,” Woodring nói. “Chúng ta cần phải lên tiếng – không chỉ là một câu chuyện buồn về chất độc và đắm tàu giữa đại dương. Có rất nhiều cơ hội cải tiến và đột phá.”

Plastiki

Và cải tiến là một dấu ấn của David de Rothschild trên hành trình lần này.

Nhà môi trường học kiêm người sáng lập tổ chức Adventure Ecology sẽ lái một chiếc thuyền buồm làm bằng nhựa tái chế – chủ yếu là chai đựng nước đã qua sử dụng – từ San Francisco đến vùng rác và tới mãi Sydney trong những tháng tới.

Hành trình của De Rothschild hi vọng sẽ gợi cho mọi người thấy chúng ta được gì khi xem xét lại việc sử dụng chất dẻo hiện nay.

“Chất dẻo không phải là kẻ thù,” De Rothschild nói.

“Chính cách vứt bỏ và tái chế của chúng ta mới là cái đáng lên án.”

De Rothschild giải thích rằng việc dựng thuyền Plastiki’ lần này rất có thể là bước đầu của ngành công nghiệp “chất dẻo thông minh”.

“Hành trình với Plastiki’ lần này chắc chắn sẽ rất thú vị, nhưng điều hào hứng hơn cả là khả năng đem lại những cuộc đối thoại về chất dẻo thông minh.”

 

Theo G2V Star (National Geographic)