Đã có ít nhất sáu dự án đầu tư với vốn đăng ký khoảng 200 triệu USD và gần 300 tỉ đồng thuộc lĩnh vực xử lý rác thải sinh hoạt đang được TP.HCM xem xét cấp phép.
Lĩnh vực vốn được xem là vấn nạn nay trở nên sôi động, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước… Chia sẻ tín hiệu lạc quan này, TS Nguyễn Trung Việt – trưởng phòng quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM – thông tin thêm:
– Theo qui hoạch, công trường xử lý rác Phước Hiệp (Củ Chi, TP.HCM) có tổng diện tích hơn 800ha, trong đó 100ha dành chôn rác, phần còn lại xây dựng các nhà máy xử lý rác. Tuy nhiên, phần diện tích 100ha của khu chôn rác cũng đang được điều chỉnh vì theo chiến lược bảo vệ môi trường của thành phố, không lâu nữa sẽ giảm 50% lượng rác phải chôn.
Công trường xử lý rác tại bãi rác Phước Hiệp, Củ Chi, TP.HCMCông trường
xử lý rác tại bãi rác Phước Hiệp, Củ Chi, TP.HCM (Ảnh: TTO)
Trong khi đó, khu xử lý chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh) diện tích 128ha, có khả năng sử dụng được hơn 20 năm. Còn khu xử lý rác Thủ Thừa (Long An) với diện tích 1.760ha đang trình duyệt qui hoạch chi tiết.
Với những con số nói trên, tôi khẳng định trong vòng 20-25 năm tới TP.HCM vẫn có đất để chôn rác. Nhưng vấn đề là có cần phải “hi sinh” diện tích đất quá lớn chỉ để chôn rác? Đó là chưa kể đến khi chôn rác, dù có kỹ lưỡng đến mấy thì nguy cơ ô nhiễm môi trường về lâu dài vẫn rất cao.
* Nhưng giảm diện tích đất chôn rác bằng cách nào?
– TP.HCM đang quyết liệt thực hiện xã hội hóa ở lĩnh vực xử lý rác. Sắp tới đây sẽ có nhiều dự án do các công ty thuộc các thành phần kinh tế khác nhau đầu tư với số vốn khá lớn. Bước đầu Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM đã lựa chọn được sáu dự án đầu tư xử lý rác.
Lượng rác hữu dụng và được tái chế sẽ ngày càng nhiều. Phấn đấu đến năm 2008, tại TP.HCM lượng rác phải chôn nhiều nhất là 50%.
TS Nguyễn Trung Việt (ảnh: TTO) |
* Chủ trương xã hội hóa rất mạnh có giảm được gánh nặng chi tiêu ngân sách hàng trăm tỉ đồng mỗi năm cho lĩnh vực này không?
– Chi phí cho quản lý rác của TP.HCM sẽ ngày càng tăng. Lý do: trước đây TP.HCM chỉ chôn lấp rác chưa hợp vệ sinh, hay nói cách khác, các bãi rác chỉ là nơi chứa rác tập trung. Vì vậy, chi phí quản lý, xử lý rác… chưa được tính đúng, tính đủ.
Nếu không có gì thay đổi và tính đúng, tính đủ thì chi phí quản lý rác năm 2007 ở TP.HCM sẽ tăng lên 459 tỉ đồng (2006 là 167 tỉ đồng). Nhưng sau khi đã tính đúng, tính đủ thì chi phí xử lý rác chỉ tăng cao nhất là 3%/năm.
Tuy nhiên, chi ngân sách cho vấn đề xử lý rác thải sẽ giảm vì từ năm 2007 dự kiến sẽ thu phí vệ sinh đối với các nguồn thải. Ngoài ra, ở lĩnh vực rác thải, TP.HCM cũng sẽ thu lợi từ một số dự án. Khoản thu đầu tiên có thể kể đến là từ dự án “cơ chế phát triển sạch” (CDM) được triển khai tại bãi chôn lấp rác số 1 Phước Hiệp (Củ Chi) và bãi Đông Thạnh (Hóc Môn), ước tính khoảng 22 triệu USD do đối tác Hàn Quốc chi trả.
Dự kiến đến năm 2010 TP.HCM sẽ giảm chi ngân sách cho quản lý và xử lý rác thải khoảng 30-50% và đến 2015 thì các khoản thu từ rác ở thành phố này sẽ đủ bù chi phí quản lý, xử lý rác…
* Ông vừa nói có khả năng năm 2007 này sẽ thu phí vệ sinh ở các hộ gia đình và xem đây như là một nguồn thu quan trọng nhằm giảm chi ngân sách?
– Người dân TP.HCM trung bình chỉ phải chi cho vấn đề vệ sinh (thu gom, xử lý rác…) một số tiền bằng 15% tổng chi phí hằng tháng cho điện, nước, vệ sinh… Khoản chi phí cho vệ sinh của một người trong gia đình chỉ bằng 0,25% (1/40) thu nhập của một người tại TP.HCM. Như vậy, ước tính mỗi thành viên trong gia đình chi trả chi phí vệ sinh khoảng 3.000 đồng/tháng, và số tiền các hộ dân phải đóng hầu như không thay đổi.
Ở góc độ khác, ngân sách còn phải gánh vác chi phí vệ sinh cho các đối tượng kinh doanh. Sắp tới đây thành phố cũng sẽ tính đúng, tính đủ chi phí vệ sinh đối với các cơ sở, công ty… ở các lĩnh vực.
QUỐC THANHthực hiện
“Lâu nay, TP.HCM chỉ có duy nhất một công ty nhà nước được giao quản lý và vận hành các bãi rác. Mọi vấn đề xử lý đều hết sức khó khăn, hay nói cách khác, khi ô nhiễm nghiêm trọng xảy ra cũng không dám dùng biện pháp mạnh và càng không thể đóng cửa. Nhưng tới đây sẽ khác, khi có nhiều công ty cùng tham gia xử lý rác và nếu “anh” nào gây ô nhiễm, không đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường thì phải xử lý đúng trình tự, đúng qui định. Trường hợp xấu nhất là phải đóng cửa một vài công trường thì TP.HCM vẫn còn có những nơi để xử lý rác luôn được chuẩn bị sẵn. Có làm nghiêm túc, xử lý đến nơi đến chốn hay không là thuộc về thái độ của những người có trách nhiệm. Trưởng phòng quản lý chất thải rắn sẽ bị đuổi việc nếu để các công trường, nhà máy xử lý rác gây ô nhiễm. Phải tin tưởng chúng tôi, đừng đặt mối nghi ngờ ngay từ đầu. Rồi đây hằng ngày xã hội sẽ soi vào những gì chúng tôi làm và bày tỏ thái độ…”. |
Theo Tuổi trẻ