Rái mỏ vịt – sinh vật kỳ lạ nhất thế giới

Rái mỏ vịt - sinh vật kỳ lạ nhất thế giới

Loài rái mỏ vịt có bộ lông giống như động vật có vú, đôi chân lạch bạch giống như chim và đẻ trứng theo kiểu của bò sát.

Rái mỏ vịt - sinh vật kỳ lạ nhất thế giới

Rái mỏ vịt. (Ảnh: sciencecentric)

Bà mẹ thiên nhiên đã nhào nặn và biến chúng thành một thứ sinh vật lai tạp kỳ quặc. Các nhà nghiên cứu đã hoàn thành bản đồ gene của một con rái mỏ vịt cái đến từ Australia.

“Rái mỏ vịt là một nhánh rất cổ trong cây họ nhà thú, vì vậy, khoảng 166 triệu năm trước, chúng ta đã có chung tổ tiên với rái mỏ vịt”, nhà nghiên cứu Jenny Graves tại Đại học quốc gia Australia nói. “Và điều đó đặt chúng vào giữa 2 nhóm động vật có vú và bò sát, bởi chúng vẫn còn giữ rất nhiều đặc tính của bò sát mà chúng ta đã mất đi từ rất lâu, chẳng hạn như đẻ trứng”.

“Chúng ta có thể dựa vào loài sinh vật này để lần theo những thay đổi của loài người khi chuyển từ bò sát sang mọc lông, tiết sữa và sinh con”.

Loài thú cổ đại này sống trong các hang ở miền đông Australia, tìm kiếm thức ăn dọc theo các con sông và suối. Cơ thể mỏng dẹt của nó rộng khoảng 50 cm cùng với chiếc đuôi giống như mái chèo và 4 bàn chân có màng. Rái mỏ vịt là một trong 2 loài có vú duy nhất (loài kia là thú lông nhím) đẻ trứng. Và không giống như các loài thú khác, rái mỏ vịt đực có thể tiết ra nọc độc từ một chiếc cựa nhỏ trên mỗi chân sau.

Để tìm hiểu mối liên hệ tiến hóa giữa rái mỏ vịt và các loài động vật khác, các nhà nghiên cứu đã so sánh bản đồ gene của một con rái mỏ vịt cái với con người, chuột, chó, thú có túi ôpôt và gà.

Rái mỏ vịt - sinh vật kỳ lạ nhất thế giới

Rái mỏ vịt là sự chắp vá giữa bò sát, chim và động vật có vú. (Ảnh: Livescience)

Với khoảng 2,2 tỷ cặp đôi, bộ gene của rái mỏ vịt bằng khoảng 2/3 kích cỡ bộ gene người. Nó có chung 80% gene với các loài có thú khác.

Giống như con người, rái mỏ vịt mang nhiễm sắc thể X và Y. Nhưng không giống như chúng ta, X và Y không phải nhiễm sắc thể giới tính. Loài vật này có 52 nhiễm sắc thể, trong đó có 10 nhiễm sắc thể giới tính. Bộ gene cũng gồm những đoạn ADN liên quan tới việc đẻ trứng và tiết sữa. Do không có đầu vú, nên các con non bú sữa mẹ qua da bụng.

Một điều kỳ quặc khác là khi bơi dưới nước, rái mỏ vịt nhắm cả mắt, tai và mũi lại. Khi đó chiếc mỏ vịt hoạt động như một ăng-ten, phát hiện từ trường yếu ớt xung quanh con mồi. Kể cả như vậy thì bộ gene của chúng cho thấy chúng vẫn có những gene phát hiện mùi.

Nghiên cứu bao gồm hơn 100 nhà khoa học trên toàn cầu và được tài trợ bởi Viện nghiên cứu gene người quốc gia của Australia.

 

Theo M.T. (theo Livescience, VnExpress)