Rắn thần Nâga

0
129
Rắn thần Nâga

Nâga là một con vật trong truyền thuyết của Ấn Độ giáo với thân hình rắn thường được mô tả với nhiều đầu đáng sợ: mang bành, mõm chó, những con mắt lồi ra và giống như của người.

>>> Những loài rắn độc ở Việt Nam
>>> Những điều thú vị về rắn

Trong truyền thuyết của Ấn Độ và vùng Đông Nam Á, rắn Nâga là những cư dân sống dưới lòng đất để canh giữ các kho báu. Kẻ thù của nó là con chim ưng Garuda khổng lồ, nhưng thật ra Nâga và Garuda chỉ là 2 hóa thân của thần Vishnu, 2 khía cạnh của thần thánh.

Nâga nổi tiếng nhất là Ananta mà thần Vishnu ngồi lên trên trong thời gian giữa lúc thế giới bị tuyệt diệt và khi sáng lập một thế giới mới. Nâga là kẻ canh giữ và bảo vệ, trung gian giữa trời và đất, kẻ đưa tin giữa thế giới sống và thế giới bên kia, đôi khi kết hợp với cầu vồng (Đức Phật từ trên trời đi xuống bằng một cầu thang cầu vồng, 2 tay vịn là 2 con rắn Nâga).

Tại Angkor (Angkor-Thom, Prah Khan, Banteai Chmar) có những con đường với lan can dạng rắn Nâga tượng trưng cho cầu vồng đó, và thần sấm sét và mưa Indra ở phía đầu. Trong biểu tượng của người Khmer, rắn Nâga đực có số đầu lẻ còn rắn cái có số đầu chẵn. Tại một vài vòm cửa ở Angkor tượng trưng cho cửa lên thượng giới có khắc hình thần Indra và Makara phun ra 2 con rắn Nâga.

Rắn thần Nâga

Trong truyện cổ tích và truyền thuyết của Campuchia, rắn Nâga có thể mượn dạng người đi chu du dưới lòng đất, bơi dưới nước hay bay trên trời. Nâga cũng ban cho đất đai sự màu mỡ và phụ nữ sự sinh sản dồi dào.

Người ta tìm thấy nhiều truyền thuyết về rắn Nâga trong thần thoại Ấn Độ và Phật giáo. Vương quốc của Nâga gồm có sông hồ và biển cả. Tại đấy, những con vật vương giả đó sống trong các cung điện sang trọng được trang hoàng ngọc trai và đá quý. Nâga không những là kẻ bảo vệ sinh lực của nước mà cả của san hô, vỏ sò hến và ngọc trai. Nó mang một viên châu báu trên đầu. Hình dạng uốn lượn của Nâga tạo nên những cung vòm quanh các tiền cột, những lan can quanh các hồ nước và lối đi. Những lối đi đó thường được gọi là “cầu Nâga”, nhưng trong mọi trường hợp thân hình dài tượng trưng cho cầu vồng nối liền thiên giới và hạ giới.

Tính phổ biến của rắn Nâga trong nghệ thuật Khmer xuất xứ từ các tín ngưỡng tiền Ấn về những linh hồn sống dưới đất và trong nước. Với sự bành trướng và phân tán các tín ngưỡng Ấn Độ trong những bộ tộc Khmer cách đây 2.000 năm, biểu tượng Ấn Độ tạo ra một sự phong phú về cách thể hiện những linh hồn đó cũng như khả năng hòa nhập với các tín ngưỡng địa phương cùng những truyền thuyết của Ấn Độ giáo và Phật giáo.

Phả hệ của nhiều vị vua Khmer đến được với chúng ta nhờ những bài ca bằng tiếng sanskrit khắc trên các bia đá. Nhiều vị vua tự xưng là hậu duệ của sự kết hợp một vị thần Bà La Môn với một Nâga nửa rắn nửa phụ nữ, Nâga này cũng là hậu duệ của một vua rắn.

Trong thần thoại Ấn Độ, chu kỳ của thế giới được chia thành 4 kalpa (thời kỳ). Sau khi được tạo lập, qua 14 giai đoạn sẽ dẫn đến ngày tận thế. Trong giai đoạn thứ 6 của thời kỳ hiện nay, các thần thánh và ác quỷ sẽ đấu tranh giành sự thống trị thế giới, nhưng có một lúc tạm hòa để lấy từ đại dương amrita, tức phương thuốc bất tử. Giai đoạn này được gọi là “đánh biển sữa” và núi Mandara được dùng như trục. Rắn Nâga Vasuki quấn quanh núi, thần và quỷ kéo mỗi bên một phía để đánh (quậy) đại dương sữa và lấy ra phương thuốc.

Vào cuối một thời kỳ sẽ đến lúc hủy diệt. Trước tiên, năng lực của thần Vishnu có dạng mặt trời làm khô kiệt mọi sự sống trên trái đất. Kế đó thần có dạng gió, hút hết không khí rồi phun lửa đốt mọi thứ ra tro. Sau đó, thần lại biến thành mây và trút mưa sữa từ đại dương vũ trụ xuống. Tro của sự tạo lập được giữ lại và hòa tan trong đại dương, kể cả mặt trăng và các ngôi sao. Đó là thời kỳ bóng đêm cũng kéo dài như thời kỳ ban ngày. Thần Vishnu lấy dạng người và ngủ trên đầu con rắn Nâga 5 đầu Ananta hay Sesha.

Kẻ thù của Nâga là con chim ưng Garuda và chúng thường được vẽ chung với nhau như đối thủ, rắn Nâga nằm trong móng vuốt của Garuda.

Nâga cũng có mặt trong đời sống của đức Phật. Trong lúc Phật tham thiền, một cơn bão dữ dội nổi lên làm dâng nước. Vua rắn Muchalinda 7 đầu xuất hiện từ đám rễ cây, quấn thành 7 vòng rồi phùng mang che đầu cho đức Phật cho đến khi nước rút hết. Nhiều bức họa vẽ đức Phật ngồi trên con rắn Nâga đã trở thành phổ biến trong nghệ thuật Khmer từ thế kỷ XI và nhất là vào cuối thế kỷ XII, khi các vị vua Khmer du nhập Phật giáo vào nước.

Rắn Nâga tượng trưng cho chu kỳ thời gian giống như Ouroboros của người Hy Lạp. Có lẽ cũng nên nhận thấy sự tương đồng giữa Nâga và Uraeus, con rắn hổ mang trên trán pharaoh, con vật tập trung đặc tính của mặt trời, mang lại sự sống và sinh sôi, nhưng cũng có thể giết chóc bằng cách làm khô héo hay thiêu đốt. Nhiều truyền thuyết nói đến một con rắn ở thế giới dưới lòng đất (rắn Vouivre của người Celte hay thần rắn-chim của Nam Mỹ).

 

Theo ANTG