Chính phủ Indonesia buộc phải đình chỉ thi công tường chắn sóng dài 24km chống ngập cho thủ đô Jakarta do lo ngại về vấn đề an toàn.
Kế hoạch dựng tường chắn sóng dài 24km chống ngập cho thủ đô Jakarta của chính phủ Indonesia đang chững lại do những lo ngại về an toàn đối với nhà máy điện lân cận. Một nghiên cứu của chính phủ chỉ ra tường chắn do nhà thầu Muara Wisesa Samudra (MWS) thi công có thể chặn nguồn nước biển để làm mát cho nhà máy điện Muara Karang ở cửa sông Kali Krendang, Strait Times hôm 21/9 đưa tin.
Khu đất cải tạo để xây tường chắn sóng trên vịnh Jakarta nhìn từ trên cao. (Ảnh: Reuters).
Nurbaya Bakar, Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp, người đình chỉ dự án vào tháng 4 năm nay, nhấn mạnh MWS có thể tiếp tục công trình trong vòng vài tuần nếu họ đáp ứng những điều kiện an toàn cho nhà máy điện của chính phủ.
Cosmas Batubara, giám đốc điều hành MWS, cho biết công ty đã tìm ra giải pháp cho nhà máy thủy điện Muara Karang. Theo Batubara, công ty sẽ xây dựng một kênh đào để ngăn luồng nước mát chảy từ ngoài biển vào và nước nóng chảy từ nhà máy ra hòa lẫn vào nhau.
Dự án “Tường chắn sóng khổng lồ” được đưa ra thảo luận lần đầu tiên vào năm 1995. Tường chắn sóng do 17 đảo nhỏ nhân tạo hợp thành có thể giúp Jakarta thoát khỏi nguy cơ bị nhấn chìm do lụt lội và mực nước biển dâng cao.
Dự án ra đời sau khi những nghiên cứu chỉ ra thủ đô thấp trũng Jakarta của Indonesia đang chìm dần dưới mực nước biển với tốc độ lên tới 20cm mỗi năm, đặc biệt là các khu vực phía bắc thành phố. Chính quyền Jakarta đã nỗ lực nạo vét hệ thống kênh đào trong nhiều năm, và tường chắn sóng dài 24 km được coi là biện pháp quan trọng trong công cuộc phòng chống ngập lụt cho thành phố.