“Rèn con nên người cũng giống như rèn búa, rèn gươm”

Quát mắng hay dùng roi vọt có phải là thượng sách? Và liệu rằng lúc nào cũng nhẹ nhàng có khiến con hư?

Dưới đây là kinh nghiệm thực tế của tôi – một bà mẹ có bé gái 5 tuổi, hi vọng phần nào giúp các mẹ hình dung rõ hơn câu trả lời cho những băn khoăn, thắc mắc trên.

“Cứng” khi cần rèn cho con kỷ luật và cách tư duy đúng đắn

Hồi mới sinh bé An, tôi đã được đọc cuốn sách “Khúc chiến ca của mẹ Hổ” của nữ luật sư Amy Chua về cách rèn hai con gái thành tài của bà.

Khi đọc tới đoạn Amy bắt các con gái phải làm lại tấm thiệp mừng sinh nhật mẹ cho thật chỉn chu, tôi cảm thấy thật sự phẫn nộ. Tôi cho rằng cần phải tôn trọng các con, để cho bé tự thể hiện như là bé muốn, chứ không nên gò ép con theo khuôn khổ bố mẹ trông đợi, nếu không các bé sẽ trở nên nhút nhát và không dám thể hiện bản thân. Nhưng đó là những suy nghĩ của tôi khi bé An mới chưa đến 6 tháng tuổi, vẫn còn ẵm ngửa và đang trong giai đoạn mẹ tò mò “khám phá” về con, và hầu như bé đáp ứng không phản kháng những nề nếp mà tôi tạo cho bé trong sinh hoạt.

Nhưng tới khi bé An bắt đầu vào giai đoạn ăn dặm thì những suy nghĩ đó cũng bắt đầu phải thay đổi. Vấp ngay phải những ngày đầu bé phun phì phì đồ ăn và la hét, gào khóc khản cổ vì bị tước mất cái thìa đang chơi, dù mẹ tốn nhiều công sức chuẩn bị và ra sức dỗ dành, tôi nghĩ ngay tới câu nói của “mẹ Hổ” Amy Chua: “Con nghĩ sẽ duy ý chí nếu chỉ trông đợi con cái tự làm điều gì đó đúng đắn”.

Quả thật, với những kỹ năng mới, ví dụ như cách tập ăn dặm bằng thìa, nếu trông đợi quá nhiều vào bản năng của các bé thì có lẽ mọi thứ sẽ không thể nào diễn ra như mong muốn, nhất là với một người mẹ châu Á rất quan tâm đến chăm sóc con. Càng về sau, khi ý thức tự chủ bản thân của bé càng tăng cao, bé đưa ra nhiều ý kiến chủ quan của riêng bé, thì việc mẹ hướng dẫn là cần thiết. Vì lúc này, các con cũng đã càng ngày càng hiểu chuyện và biết tìm “đồng minh” đứng về phía mình khi cần. Và đến khi các bé bắt đầu biết đi, thì ác mộng sẽ xảy ra nếu mẹ vẫn “cho con tự do phát triển”, vì các bé chưa thể nhận ra cái gì là tốt, cái gì là xấu do kinh nghiệm về mọi thứ của các bé còn rất non nớt.

Lúc đó, tôi nhận ra rằng mình cần phải cứng rắn, kiên định với những quy tắc mà tôi nghĩ là tốt cho con. Còn nếu tôi dễ dãi, chiều theo con thì sẽ càng khiến bé đòi gì được nấy với cấp độ ngày càng tăng.

Ví dụ, tôi cho rằng con không nên ăn rong để đảm bảo bé có nếp ăn hiệu quả, lành mạnh, vậy là ngay từ đầu tôi luôn luôn cho bé ngồi ăn trong ghế khi đến bữa. Những lần bà muốn cho cháu ra ngoài hè “ăn với các bạn cho vui” như bé đòi, tôi đều khéo léo từ chối và giải thích để bà hiểu tại sao không nên làm như thế.

Ngay từ khi bé bắt đầu tập đi, tôi đã luôn trông chừng và kiên quyết nói “Không” khi bé An định ra nghịch sờ vào đồ dùng của người lớn. Tôi cũng hạn chế việc dùng các vật dụng trong gia đình đang sử dụng như điều khiển TV, chìa khóa hay mắc quần áo để cho bé làm đồ chơi, nhằm tránh tạo cho con suy nghĩ rằng đó là những thứ bé có thể chơi được và sẽ tự động lấy những thứ khác nữa mà có thể rất nguy hiểm cho chính con. Nhiều lần, khi mọi người nói: “Cho bé chơi 1 chút thôi, có sao đâu, trẻ con nó biết gì” tôi đều kiên quyết không đồng ý, cho dù sau đó tôi phải khá vất vả để dỗ và giải thích, hay chịu đựng những cơn khóc đòi của bé An.

Con càng lớn, tôi càng “cứng” hơn với mỗi quy định của mình. Và nhiều lần tôi vấp phải những phản ứng từ cả người thân trong gia đình lẫn hàng xóm. Mọi người xung quanh cho rằng tôi đã quá “phát xít” khi con còn bé “chưa hiểu gì mà đã bắt nó làm như thế”.


“Con càng lớn, tôi càng ‘cứng’ hơn với mỗi quy định của mình”.

Nhưng rồi từ từ, kiên trì, tôi cũng gặt được những “quả ngọt” mà tôi khá hài lòng:

Bé An tuy hiếu động, nghịch ngợm và được tự do chạy nhảy khắp nhà nhưng mọi người đều khá yên tâm, vì bé không bao giờ sờ vào những thứ đã được tôi gắn mác “của người lớn, không phải đồ chơi”. Vì vậy dù có trẻ nhỏ, nhưng nhà tôi vẫn có thể thoải mái để phích nước, cốc chén thủy tinh trên bàn. Do đó ai trông hay chơi với bé đều thấy thoải mái, vui vẻ vì không lo bé làm đổ vỡ hay tự làm gì đau bé.

Con cũng được tôi rèn rằng sẽ phải làm theo lời mẹ nói sau khi mẹ đếm đến 3, cho dù bé có muốn hay không. Điều này giúp tôi khá nhiều trong việc cắt các cơn ăn vạ rất hay xảy ra ở các bé lên 2, lên 3.

Bé An được yêu cầu phải “vâng ạ”, thưa gửi đầy đủ “bà ơi, mẹ ơi….cho con….” ngay từ khi bé mới bập bẹ học nói; và bất cứ khi nào con nói trống không đều được tôi nghiêm khắc chỉnh lại, cho dù là đang lúc vui đùa của 2 mẹ con.

Nhớ lại việc mẹ Hổ Amy Chua bắt các con vẽ lại thiệp, vì: “Mẹ tặng con những chiếc cầu trượt diệu kỳ to tướng tốn kém hàng trăm đô la. Mẹ tặng con những chiếc bánh kem khổng lồ hình chim cánh cụt, và mẹ tiêu đến nửa tháng lương vào những hình dán ngớ ngẩn và bữa tiệc cục tẩy đủ hình ngộ nghĩnh chỉ để mọi người ném nó đi. Mẹ đã làm việc cực nhọc để mang lại cho con những sinh nhật tuyệt vời! Mẹ xứng đáng được thứ tốt hơn thế này!”, tôi luôn cố gắng giải thích cho con gái – dù trong mắt nhiều người là còn bé bỏng, còn chưa hiểu chuyện – về những vất vả của tôi khi chăm sóc bé. Vì vậy mà tôi được có những lúc rơi nước mắt vì sung sướng khi con gái chạy ra đón mẹ và nói: “Mẹ đi làm vất vả, con thương mẹ lắm!”

Nhưng cũng “mềm” khi nuôi dưỡng tình cảm, sự chia sẻ và quan tâm của con

Trước đây khi đọc được câu trong quyển sách nuôi con kiểu Nhật, đại ý “Bé càng được cho làm nũng thì sẽ càng tốt”, tôi đã không tin và còn cho rằng, nếu cho con làm nũng hay đáp ứng những lúc đó, thì con sẽ hư thêm chứ ngoan sao nổi. Lại còn phát triển tình cảm của con nữa thì càng … hoang đường.

Thế nhưng, chỉ qua một sự việc nhỏ, bé An cho tôi thấy rõ điều đó là đúng, và những gì tôi đã nghĩ trước đây là sai vì chưa hiểu tường tận.


“Để con làm nũng, tức là quan tâm tới cảm xúc của con và thắt chặt mối dây liên kết tình cảm“.

Chuyện là, vì áp lực cá nhân mà tôi có một tối không muốn nói chuyện với bất cứ ai, kể cả với con gái. Bé An sau 1 – 2 lần vào hỏi han không thấy mẹ trả lời thì thật sự tỏ ra lo ngại, làm đủ mọi cách để tìm hiểu. Bé lại gần hỏi han: “Mẹ ơi, mẹ mệt à? An tự chơi để mẹ nghỉ nhé? Mẹ ơi mẹ nóng không? An bật quạt cho mẹ mát nhé?” Thậm chí bé còn đi hỏi mọi người trong nhà là tại sao mẹ lại không nói chuyện với bé. Rồi An tự đoán có lẽ do bé hư nên mẹ mới không nói chuyện, nên tự giác đi vào khoanh tay xin lỗi mẹ: “Mẹ ơi An hư, An xin lỗi mẹ. Mẹ nói chuyện với An nhé?”…

Chưa kể việc tôi rất bất ngờ khi bé An tự nhiên ôm mẹ từ sau lưng, ôm chặt lắm, rồi lẩm bẩm: “An yêu mẹ lắm, An yêu mẹ nhiều cực kỳ nhiều (bắt chước mẹ hay nói, mọi khi bạn ấy chỉ cười đáp lại: “Không có gì”). Cao trào là việc bé ngồi đối diện với tôi, quan sát xong lấy tay ôm mặt mẹ, cương quyết bắt mẹ nhìn thẳng vào bé rồi thơm, lấy khăn lau mắt cho mẹ, xong … vỗ vỗ vào vai (vì tay ngắn quá không vỗ nổi xuống lưng mà) y hệt như tôi từng an ủi bé. Trước nay chỉ có tôi làm những việc đó, và bé An đương nhiên nhận nên tôi có phần hơi nghi hoặc: liệu có chăng việc An ích kỷ vì là em bé nhất trong nhà nên quen được chiều chuộng và nhường nhịn? Nhưng qua những việc An làm lần đó thì thấy là dù tôi buồn, nhưng trong lòng cũng “nở hoa” ít nhiều.

Và tôi nhận ra rằng:

Để con làm nũng, tức là quan tâm tới cảm xúc của con và thắt chặt mối dây liên kết tình cảm. Cho con làm nũng đúng cách không phải là chiều con vô lối hay làm hư con, mà là cách để các con cảm thấy yên tâm, thoải mái. Và từ đó con sẽ biết cách quan tâm ngược lại. Các bé là tờ giấy trắng. Nếu viết lên đó bằng mực đen của giận dữ ra lệnh, của cục cằn và xa cách thì rồi mình sẽ lại đọc và nếm trải màu mực đen đó. Nhưng nếu viết lên đó bằng màu mực đỏ của yêu thương, của quan tâm và gắn bó thì rồi có lúc, nó sẽ sưởi ấm mình. Ấm thật là ấm, và lâu thật là lâu…

Vì thế, hãy vẫn chiều theo mà bế con ra khỏi giường mỗi sáng nếu con yêu cầu, dù hàng ngày vẫn dạy con phải tự biết mặc quần áo hay tự đi giày dép.

Vì thế, hãy vẫn chiều theo mà thể hiện màn “sến súa” kiểu đang yên đang lành con đòi ôm rồi thơm rồi nói: “Yêu mẹ/yêu con lắm”, dù có khi đang căng thẳng và cả ngày chỉ có đúng 5 phút đó để ôm con trước khi quay trở lại với guồng quay công việc.

Vì thế, hãy đừng tiếc một lời thì thầm: “Mẹ yêu con lắm, chúc con ngủ ngon” trước khi con chìm vào giấc ngủ.

Rèn con nên người, phần nào đó khái niệm này cũng giống như hình ảnh rèn búa rèn gươm. Tức là để có lưỡi gươm bén ngót, cục sắt nóng phải trải qua quá trình tạo hình đau đớn. Nó cũng giống như việc “cứng rắn” tạo nền nếp kỷ luật cho con cái.

Và song song với nó, là việc người thợ rèn sẽ đổ nước để làm nguội và tạo độ cứng, độ bóng cho thanh gươm. Việc người mẹ truyền cho con tình cảm, cho con sự quan tâm bằng cả tấm lòng cũng chính là cách tạo nên nhân cách cho con sau này.

Để có một lưỡi gươm đi vào lịch sử, cần kỹ thuật điêu luyện giữa nóng và lạnh của người thợ rèn. Và để có một con người của tương lai, cũng cần có cả sự nóng và lạnh của người mẹ.

Honey Bee
logo smaill

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.