Do thời tiết năm nay rét đậm, các loại rau xanh không thể phát triển nhanh để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Chính vì thế, mặt hàng này đột nhiên tăng giá khiến không ít những bà nội trợ phải choáng váng.
Mua rau, giật mình tưởng mất cắp
“Bình thường, tôi đi chợ mua rau ăn phục vụ cho 10 người làm hàng ngày cũng chỉ hết 30.000 đồng. Hôm nay cũng vẫn những loại rau tôi mua, bà chủ quán bảo hết tổng cộng 90.000 đồng. Tôi giật mình và phải hỏi đi hỏi lại xem bà tính có nhầm không. Thế rồi tôi đi mua thịt, khi rút tiền ra trả, tôi hốt hoảng tưởng bị mất tiền, ai dè nãy tôi đã trả tiền rau gấp đôi mọi hôm …nhưng số tiền tôi mang đi chợ cũng chỉ như mọi ngày” – chị Mai ở Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ.
Tình hình thời tiết như hiện nay, cả người mua và người bán đều “choáng” với giá rau củ
(Ảnh: thethaovanhoa)
Tại chợ đầu mối Phùng Khoang (Thanh Xuân, Hà Nội), các loại rau đều rục rịch tăng từ 20-30%, thậm chí, một số loại rau so với một tháng trước đó tăng vọt lên 300%. Cụ thể, rau cần có giá 15 nghìn đồng/kg (tháng trước 5 nghìn đồng/kg), rau cải ngọt 16 nghìn đồng/kg, khoai tây 14 nghìn đồng/kg tùy từng kích cỡ củ. Riêng cà chua, đợt trước rét giảm giá xuống từ 3 – 4 nghìn đồng/kg nay đã lên 10 – 12 nghìn đồng/kg.
Riêng bắp cải giá từ 5.000 đến 7.000 đồng/kg. Hoa cải xanh và hoa cải trắng được bán với giá 9.000 đồng/cây – đắt hơn thời điểm đầu mùa khoảng 2 nghìn đồng/cây.
Tuy nhiên, không chỉ các “thượng đế” đang “sốt sình sịch” với giá rau củ mà cả người bán hàng cũng cùng tâm trạng.
Bình thường như mọi khi, bà Minh- bán rau tại chợ Thanh Xuân Bắc chỉ cần khoảng 5h30 sáng từ nhà ra cửa hàng là đã có rau của mối hàng để sẵn, bà chỉ việc bày bán. Thế nhưng, trong những ngày rét đậm vừa qua, bà phải gọi điện hẹn đi hẹn lại mà cuối cùng sáng ra mà mối hàng đưa cho bà cũng không đảm bảo số lượng theo yêu cầu.
Bà Minh chia sẻ: “Thực ra, nếu không có rau bán lẻ thì đành chịu cảnh bán ít vậy, nhưng tôi đưa nhiều nhà hàng, ngày nào cũng phải đáp ứng đủ số lượng cho họ, hợp đồng rồi. Chính vì thế, mấy hôm rét, khan hàng, tôi phải dậy từ 3h30 sáng đi đến chợ đầu mối để gom hàng“.
Với diễn biến thời tiết như hiện nay thì việc các loại rau củ tiếp tục tăng giá là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, dù giá rau có tăng đến đâu thì nhu cầu của người dân vẫn rất cần.
Các chợ đã vậy, siêu thị – nơi mà hàng năm cứ đến độ gần tết là một loạt các cam kết đảm bảo bình ổn giá được đưa ra thì nay các loại rau củ, thịt cá cũng được niêm yết với giá khá cao.
Tại siêu thị BigC cải ngọt có giá 15.500 đồng/kg, xà lách xoan 18.200 đồng/kg, dưa chuột niêm yết với giá 15.500 đồng/kg, ngọn su su 25.700 đồng/kg, cải thìa 15.500 đồng/kg, đỗ trạch xanh 16.700 đồng/kg, su hào 12.900 đồng/kg, bắp cải hữu cơ 22.500 đồng/kg, su hào hữu cơ 23.500 đồng/kg, đậu trạch 25.900 đồng/kg, cà chua 12.000 đồng/kg. Cá chép 55.000 đồng/kg, cá trắm 46.000 đồng/kg, thịt gà ta 91.900 đồng/kg.
Chen nhau mua quần áo rét như thời bao cấp
“Vừa bán vừa la cũng đắt hàng” đúng là những gì hiện đang diễn ra tại con phố sầm uất chuyên bán đồ len ở Hà Nội hiện nay – Phố Đinh Liệt. Hàng ngày, người người nườm nượp, xúm đông xúm đỏ vào các quầy hàng ở khu phố này để mua cho mình một đôi găng tay ưng ý, một chiếc mũ đội đầu để tránh cái rét cắt da cắt thịt.
Các cửa hàng bán quần áo và các phụ kiện chống rét luôn trong tình trạng đông đúc (ảnh: eva)
Tưởng trong thời buổi này, các khách hàng luôn được coi là “thượng đế” vậy mà không. Nhìn chị bán hàng tại đầu phố Đinh Liệt tay chỉ chỏ, mắt đảo qua đảo lại, miệng thì liên tục quát mắng: “Mua cái nào thì mua, đứng chọn qua chọn lại… rồi vứt lung tung chả biết mất hay còn đâu…” mà ngán ngẩm.
Dạo qua một loạt cửa hàng đề biển hiệu “Hàng Việt Nam xuất khẩu” trên đường Chùa Bộc, tình trạng đông đúc cũng tương tự. Chị Hoa – tay thoăn thoắt chọn hàng, khi được hỏi, chị cũng không buồn quay ra nhìn mà nói: “Ôi, em ơi, vẫn biết là năm nào mình cũng có áo rét, nhưng chả lẽ cứ diện đi diện lại vài cái đã cũ. Đợi mãi, tưởng chỉ rét qua loa như mọi năm, nhưng đợi mãi tình hình cũng không khả quan lên chị đành cắn răng, biết là đắt hơn một vài trăm nghìn nhưng vẫn phải mua”.
Lò sưởi cũng đổ xô đi mua
Trong cái lạnh cắt da cắt thịt như hiện nay nhiều người đổ xô mua quạt sưởi, chăn điện.
Một tiểu thương chuyên kinh doanh đồ sưởi trên phố Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội cho hay, chỉ trong vòng một buổi sáng, đã có hàng chục khách hàng đến hỏi mua loại quạt công suất 800W. Đây cũng là loại “hút” nhất vì mức giá chỉ 200.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, nếu không nhanh chắc chắn không còn hàng mà mua nữa.
Các loại quạt sưởi đắt hàng như tôm tươi (Ảnh: VTCNews)
Anh Hải- chuyên bán đồ điện tử cho biết, vào thời điểm đầu giờ sáng, giá một chiếc đèn sưởi nhà tắm hai bóng công nghệ Đức giá chỉ 900.000 đồng. Nhưng quay trước quay sau, đến trưa, mức giá này đã leo thang lên tới gần 1 triệu đồng vì “đắt hàng quá”.
Ngoài quạt sưởi, các loại túi sưởi, túi chườm cũng đang là hàng “nóng” những ngày đại hàn này. Đối với gia đình có người già và con nhỏ, việc chọn cho mình loại tủi sưởi ưng ý đang là ưu tiên hàng đầu.
Chị Hoa- nhân viên kế toán vui vẻ cầm túi sưởi có hình con gấu bông chị vừa mua được cho biết: “Mình không có thời gian đi mua sắm nhiều, với lại trời rét thế này nên mình cũng không muốn ra ngoài, ngồi trên mạng, chỉ cần một cú click chuột là sẽ tìm ra một sản phẩm ưng ý. Hơn nữa họ mang đến tận nơi cho mình, tiện lắm“.
Với diễn biến thời tiết như hiện nay, việc trang bị cho mình những đồ dùng cần thiết để chống chọi với cái lạnh cắt da cắt thịt là điều nên làm. Tuy nhiên, kinh nghiêm cho các “thượng đế” đó là không nên đến khu bán hàng tập trung mà nên đến các cửa hàng nhỏ ở các khu không quá đông đúc. Tại đây, vẫn có thể tìm mua được hàng đẹp với giá cả phải chăng. Hoặc người dùng có thể lên mạng so sánh giá cả, tính năng và lựa chọn các sản phẩm phù hợp tại các đơn vị kinh doanh mua sắm trực tuyến tin cậy mà không phải mất công ra ngoài lựa chọn trong những ngày giá rét này.
Theo Vietnamnet