Loài chuột tốn hầu hết đời mình chạy trong những hang hóc hẹp nên cần có xúc giác tốt và bộ ria của chúng thực hiện phần lớn chức năng này. Điều các nhà khoa học chưa từng biết là bộ ria chuột tinh vi đến đâu cũng như nó hoạt động ra sao.
Nhưng một nghiên cứu được công bố mới đây trên tạp chí Neuron, các nhà nghiên cứu tại MIT (Mỹ) đã tìm ra lời giải nhờ có công nghệ video tốc độ cao. Thiết bị của họ ghi được 3.200 hình mỗi giây, nhanh hơn khoảng 100 lần so với video gia đình.
Bộ ria chuột hoạt động gần giống với vân tay của người (Ảnh: MIT) |
Các nhà khoa học đã biết rằng khoảng 50 sợi ria trên mép chuột rung động, chạm vào các vật thể để xác định hình dạng và bề mặt chúng. Video tốc độ cao đã phát hiện ra vi chuyển động lỏng bên trong các sợi ria. Chuyển động này truyền tín hiệu về não chuột và não sẽ “dịch” chúng thành thông tin xúc giác.
Nhóm nghiên cứu còn tìm ra các loại ria khác nhau truyền đi những loại tín hiệu khác nhau. Ria ngắn ở phần đầu mõm rung nhanh nhất và truyền tín hiệu có tấn số cao. Ria dài, mọc ở cuối mõm chuột rung chậm và truyền tín hiệu tần số thấp. “Chúng hoạt động hệt như dây đàn hạc vậy” – ông Christopher Moore, một nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu não McGovern (thuộc MIT) và đồng tác giả báo cáo nói trên cho biết.
Chuột được dùng rộng rãi trong các phòng thí nghiệm và ria chúng hoạt động gần giống với xúc giác của người nên các nhà khoa học cho rằng cần phải hiểu được cách bộ ria chuột xác định vật thể và bề mặt.
Dù nghiên cứu của MIT khám phá nhiều điều chưa biết về bộ ria chuột nhưng các nhà khoa học vẫn cần nghiên cứu tiếp để tìm hiểu cách bộ não chuột giải mã và xử lý thông tin.
Theo Đông Quang (Time)