Robot bất khả chiến bại trong trò chơi oẳn tù tì

Robot bất khả chiến bại trong trò chơi oẳn tù tì

Với khả năng nhận diện và phân tích chuyển động ngón tay của đối thủ, chú robot của phòng thí nghiệm Ishikawa Oku, Đại học Tokyo sẽ biết được người chơi sẽ chuẩn bị ra kéo, bao hay búa.

>>> Video: Robot bất khả chiến bại trong trò chơi oẳn tù tì

Chúng ta vẫn thường nghĩ rằng các nhà khoa học không thể tái tạo sự phức tạp của não người trên máy móc. Nhưng, dù các neuron và hệ thống thần kinh của chúng ta có mạnh mẽ đến mấy, chúng ta vẫn không thể chiến thắng được chú robot của phòng thí nghiệm Ishikawa Oku. Ít nhất là trong trò chơi oẳn tù tì.

Điều gì khiến cho chú robot của đại học Ishikawa Oku có thể vượt qua trí sáng tạo, trí thông minh và khả năng dự đoán của con người? Câu trả lời là một hệ thống nhận dạng hình ảnh tốc độ cao.

Thực tế, chúng ta có thể nói rằng chú robot này đã ăn gian, bởi thay vì đưa ra quyết định của mình cùng một lúc với đối thủ như những “đấu sĩ oẳn tù tì” chân chính, chú robot của Oku sẽ phân tích chuyển động tay của người chơi trong một khoảng thời gian siêu ngắn và sau đó đưa ra quyết định kéo/bao/búa thích hợp. Quá trình phân tích và đưa ra quyết định của robot nhanh tới mức bạn có cảm giác chú robot này không hề ăn gian.

Robot bất khả chiến bại trong trò chơi oẳn tù tì

Theo trang web của phòng thí nghiệm Oku, quá trình nhận diện tay người chỉ diễn ra trong 1 mili-giây (1/1000 giây) và robot sẽ nhận diện cả hình dạng và vị trí của tay người.

Thật may mắn, theo chính các nhà khoa học tại Ishikawa Oku, chiến thắng oẳn tù tì của robot ngày hôm nay không đồng nghĩa với sự hủy diệt của con người dưới bàn tay máy móc trong tương lai. Thay vào đó, họ cho rằng phát minh của mình sẽ giúp robot và con người làm việc ăn ý hơn.

“Công nghệ này là một ví dụ cho thấy khả năng điều khiển phối hợp giữa con người và máy móc trong một vài mili-giây là hoàn toàn có thể. Và công nghệ này có thể được áp dụng để hỗ trợ chuyển động của con người, phối hợp công việc giữa con người với robot v…v… mà không có khoảng trễ về thời gian”.

Robot bất khả chiến bại trong trò chơi oẳn tù tì

Chú robot được trình diễn là thế hệ robot janken (janken: tên của trò chơi oẳn tù tì trong tiếng Nhật) thứ 2 do Oku phát triển. Thế hệ thứ nhất có độ trễ nhận dạng lên tới… 20 mili-giây.

Tuy vậy, theo Sethu Vijayakuma, giáo sư môn robot học tại Đại học Edinburg thì tốc độ 1 mili-giây của janken thế hệ thứ 2 vẫn là không đủ.

“Các robot này phản ứng rất nhanh, nhưng có những bối cảnh khoảng thời gian trễ 1 mili-giây là không chấp nhận được, ví dụ như phòng tránh tai nạn hoặc theo dõi thị trường chứng khoán ảo”.

“Trong các điều kiện này, chúng ta cần kết hợp phản ứng tốc độ cao và khả năng dự đoán tốc độ cao, sử dụng định luật trò chơi và thuyết khuôn mẫu hành vi”.

 

Theo Vnreview