Robot có khuôn mặt biểu cảm giống người

Các chuyên gia nghiên cứu người máy đến từ Munich (Đức), đã hợp tác với các nhà khoa học Nhật Bản để phát triển một phương pháp kỹ thuật khéo léo nhằm tạo ra những con robot với khuôn mặt của con người.

>>> Video: Robot có khuôn mặt biểu cảm giống người

Bằng cách sử dụng một máy chiếu để chiếu các chùm tia sáng, xác định hình ảnh 3D của khuôn mặt ở phía sau của chiếc mặt nạ bằng nhựa, và một chiếc máy tính để kiểm soát giọng nói cũng như những nét biểu cảm trên mặt. Các nhà nghiên cứu đã thành công trong việc tạo ra Mask-bot, chiếc đầu bằng nhựa giống hệt như khuôn mặt của một con người.

Mask-bot có thể thực hiện các cuộc thoại đơn giản. Chẳng hạn, khi TS. Takaaki Kuratate nói “cầu vồng”, Mask-bot chớp đôi mắt và đáp lại bằng một câu trả lời chi tiết đáng ngạc nhiên về chủ đề này: ”Khi ánh sáng đi xuyên qua các giọt nước mưa trong không khí, nó sẽ bị khúc xạ, giống như thể ánh sáng đi qua một lăng kính và tạo thành một cầu vồng. Hay nói cách khác, cầu vồng là hiện tượng tán sắc của các ánh sáng từ Mặt Trời khi khúc xạ và phản xạ qua các giọt nước mưa”.

Điểm đặc biệt là trong khi nói, Mask-bot cũng di chuyển đầu và nâng đôi lông mày, thể hiện những nét biểu cảm, sự hiểu biết của mình trên khuôn mặt vô cùng ấn tượng.


Robot với khuôn mặt hệt như con người, có thể biểu hiện,
bộc lộ mọi trạng thái cảm xúc qua nét mặt.

Giáo sư Gordon Cheng, người đứng đầu Viện Hệ thống Nhận thức (ICS) thuộc Trường Đại học Công nghệ München, người đã có nhiều phát minh trong quá trình sáng tạo ra Mask-bot, dự đoán, mô hình này sẽ ảnh hưởng đến cách thức mà con người chúng ta giao tiếp với robot trong tương lai. Đây là nguyên mẫu robot thế hệ mới, có khuôn mặt và cách nói chuyện, giao tiếp giống hệt con người.

Mặc dù hiện nay, các nhà khoa học đang phát triển nhiều ứng dụng 3D, nhưng Mask-bot có thể hiển thị hình ảnh 3 chiều thực tế trên một chiếc mặt nạ trong suốt, và có thể thay đổi bộ mặt theo yêu cầu. Bằng cách sử dụng một chiếc máy chiếu từ phía sau, các nhà khoa học đã tạo ra các tính năng rất thực tế của chiếc mặt nạ robot, có thể quan sát từ nhiều góc độ khác nhau.

“Do vậy, bạn có thể sử dụng một mặt nạ cho cả nam và nữ, để tạo ra một bản sao thực tế, có thể cùng ngồi và nói chuyện với bạn trong một hội nghị”, Takaaki Kuratate cho biết.

Các thuật toán và chương trình mới trên hệ thống máy tính điều khiển sẽ cho phép chuyển đổi một cách chính xác, cân đối bức ảnh thông thường cho chiếc mặt nạ 3 chiều, đồng thời cung cấp các biểu hiện trên khuôn mặt và giọng nói.

Để sao chép các biểu hiện trên khuôn mặt, Takaaki Kuratate đã phát triển một công cụ giao tiếp thông minh, một hệ thống tích hợp trong máy tính, sẽ lọc các dữ liệu chuyển động và lựa chọn những biểu hiện trên gương mặt phù hợp với một âm thanh cụ thể, được gọi là đơn âm. Phần mềm tổng hợp cảm xúc cung cấp các sắc thái tình cảm có thể nhìn thấy, ví dụ, khi hạnh phúc, buồn hay tức giận.

Mask-bot có thể sao chép những nội dung cuộc thoại được đánh máy thông qua bàn phím bằng tiếng Anh, Nhật và Đức. Một hệ thống khác sẽ chuyển đổi văn bản thành các tín hiệu âm thanh, phù hợp với từng giọng đọc cũng như không khí, tính chất của cuộc nói chuyện. Tuy nhiên, không phải Mask-bot có thể hiểu được mọi lời nói, mà nó chỉ lắng nghe và phản ứng thích hợp với một trình tự đã được lập trình cố định.

Chí phí cho nguyên mẫu này là khoảng 3.000 EURO. Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để cho ra đời nguyên mẫu thứ 2, Mask-bot 2, để có thể kết hợp một cách nhuần nhuyễn, cho phép robot có thể lắng nghe và hiểu con người, phản ứng lại một cách nhanh nhất.

 

Theo Physorg, Đất Việt