Robot có thể mang diện mạo giống người nhưng đôi mắt vô hồn vẫn là điểm giúp chúng ta dễ dàng nhận ra đó là một robot. Và để khiến robot trông tự nhiên hơn cũng như nghiên cứu về giao tiếp giữa người và máy, nghiên cứu sinh tiến sĩ Sean Andrist đến từ đại học Wisconsin-Madison đã nghiên cứu về ánh nhìn tương tác với robot và anh đã phát triển các thuật toán giúp robot nhìn chúng ta vào đúng thời điểm và đúng cách thay vì cái nhìn chằm chằm không điểm dừng đáng sợ trên những robot giống người.
Tại sao ánh nhìn và sự tương quan giữa ánh nhìn đối với cá tính của mỗi người lại quan trọng? Chúng ta đều đã biết đến 2 khái niệm người “hướng ngoại” và “hướng nội”. Những người hướng ngoại sẽ giao tiếp dễ hơn với người hướng ngoại. Trong khi đó, người sống nội tâm thường dễ đồng cảm và chia sẻ với người sống nội tâm khác hay đơn giản là không chơi với ai cả. Những người cùng tính cách khi chơi với nhau không chỉ thoải mái về mặt tinh thần mà còn mang lại sự hiệu quả về nhiều thứ, chẳng hạn như làm việc cùng nhau có năng suất cao hơn hay giải quyết vấn đề tốt hơn.
Một trong những phương thức đáng tin cậy nhất để xác định tính cách hay “hướng” của một ai đó là ánh nhìn. Người hướng ngoại thường có xu hướng nhìn mọi người khi họ đang nói chuyện nhiều hơn so với người hướng nội. Bạn có thể nhận thấy kiểu nhìn qua nhìn lại của người hướng ngoại khi nói chuyện với họ dù bạn đang nhìn vẩn vơ đi nơi khác.
Nếu bạn là một robot giống người, bạn có thể sử dụng dữ liệu này để tương tác hiệu quả hơn với con người. Đầu tiên, bạn có thể thử sử dụng ánh nhìn của con người để xác định liệu họ là người hướng nội hay hướng ngoại và sau đó, bạn có thể điều chỉnh ánh nhìn sao cho phù hợp với ánh nhìn của họ để khiến họ cảm thấy thoải mái hơn, nhờ đó khiến họ trở nên hiệu quả hơn khi thực hiện các công việc chung. Ánh nhìn cực kỳ quan trọng bởi “những hành vi không diễn đạt bằng lời, đặc biệt là ánh nhìn từ lâu đã được xem là một công cụ hữu ích theo khía cạnh khoa học – xã hội trong việc thuyết phục những người khác làm theo yêu cầu hoặc đề nghị”.
Trong một nghiên cứu được công bố năm ngoái với tựa đề “Look Like Me: Matching Robot Personality via Gaze to Increase Motivation”, Andrist cùng với 2 nhà nghiên cứu khác là Bilge Mutlu và Adriana Tapus đã thử nghiệm nhiều giả thuyết liên quan đến khả năng tương tác bằng ánh nhìn thích nghi với người đối diện. Các giả thuyết đặt ra bao gồm:
- Phối hợp tính cách của robot với tính cách của con người sẽ cải thiện tỉ lệ chi phối cảm xúc của con người về hiệu năng của robot;
- Phối hợp tính cách của robot với tính cách của con người sẽ cải thiện hiệu quả tương tác với các yêu cầu của robot để thực hiện một tác vụ trong khoảng thời gian dài hơn.
Người tham gia thử nghiệm được yêu cầu chơi trò xây tháp Tower of Hanoi – một trò chơi giải đố trong đó bạn phải thay đổi vị trí các đĩa tròn được gắn trên 3 cột và ghép các đĩa tròn tạo nên ngọn tháp với kích thước từ nhỏ đến lớn, dưới sự quan sát của robot và robot cũng sẽ cung cấp tất cả các chỉ dần cần thiết về luật chơi cũng như tiến trình chơi thông qua nhiều giai đoạn của trò chơi. Sau những chỉ dẫn ban đầu, robot sẽ cẩn thận giải thích mục tiêu và luật của trò chơi, đồng thời đề nghị người tham gia hoàn thành trò chơi. Sau lần hoàn thành đầu tiên thành công, robot sẽ yêu cầu người chơi thực hiện thêm nhiều lần nữa và nhắc nhở người chơi rằng họ có thể quyết định dừng lại bất cứ lúc nào nếu muốn.
Kết quả rất thú vị, theo mô tả của Andrist: “Giả thuyết đầu tiên của chúng tôi dự đoán rằng người tham gia có thể đạt tỉ lệ chi phối cảm xúc cao hơn với hiệu năng của một con robot có tính cách phù hợp với họ, hay nói đơn giản là sự phối hợp giữa người và máy trở nên ăn ý hơn”.
Giả thuyết này phần nào đó củng cố cho thí nghiệm trong đó: người hướng nội cho biết họ thích những hành vi của robot có tính cách hướng nội hơn. Trong khi đó, những người tham gia có tính cách hướng ngoại lại cho biết không có sự khác biệt về tỉ lệ chi phối cảm xúc. Người hướng nội có thể nhạy cảm với những hành vi của robot hơn và nhiều nghiên cứu trước đây cũng cho thấy họ có tỉ lệ nhận biết và nhận thức cao hơn hẳn so với những người hướng ngoại. Ngoài ra, một nghiên cứu liên quan đến tỉ lệ cảm nhận cảm xúc của người hướng nội với những người khác cũng cho thấy người hướng nội chọn hững người cùng tính cách dựa trên “mức độ tin tưởng, chân thật và đạo đức” trong khi người hướng ngoại thường mâu thuẫn tư tưởng khi chọn bạn và thường bất tuân các yếu tố này.
Nếu bạn là một robot giống người, bạn có thể sử dụng dữ liệu này để tương tác hiệu quả hơn với con người.
Thí nghiệm cũng củng cố cho giả thuyết thứ 2 trong đó dự đoán rằng những người chơi sẽ có thể phối hợp ăn ý với những robot có tính cách phù hợp với họ. Dựa trên việc đo đạt thời gian chơi, cả 2 dạng người hướng ngoại và hướng nội đều cho thấy sự đồng thuận lớn hơn với các robot cùng tính cách. Tuy nhiên, nếu đo về tổng số lần chơi và số đĩa được di chuyển để tạo thành ngọn tháp, người hướng ngoại lại thể hiện sự đồng thuận lớn hơn với những robot cùng tích cách so với người hướng nội. Nghiên cứu trước đây về giao tiếp người – máy cũng cho thấy kết quả tương tự.
Nghiên cứu của Andrist cho thấy sự tương tác về ánh nhìn giữa người và robot mang lại các tác động hữu hình chứ không chỉ dừng lại ở sự thỏa mái hay không thoải mái của con người. Đối với khả năng hỗ trợ về mặt xã hội cũng như thể chất, ánh nhìn là yếu tố quan trọng đối với robot để sử dụng các công cụ khuyến khích con người hoàn thành các tác vụ vốn sẽ rất nhàm chán hoặc lặp đi lặp lại khi họ làm việc với những robot bình thường. Nghiên cứu này được thực hiện với một nhóm người tham gia và trong một điều kiện nhất định, do đó các nhà nghiên cứu hiểu rõ rằng tính cách và hành vi cử chỉ trên thực tế sẽ phức tạp hơn nhiều so với thí nghiệm của họ. Trong tương lai, họ đã lên kế hoạch tăng độ chi tiết và phức tạp của các mô hình ánh nhìn cũng như thử nghiệm trên nhiều nhóm người hơn để tìm ra những ai được lợi nhiều nhất từ sự hỗ trợ của robot.
Theo Tinh Tế