Robot thăm dò sao Hỏa sẽ hạ cánh bừa

0
110
Robot thăm dò sao Hỏa sẽ hạ cánh bừa

Robot thăm dò sao Hỏa mới của NASA đang hướng tới sao Hỏa và theo kế hoạch sẽ đáp xuống bề mặt hành tinh đỏ vào đầu tháng sau. Nhưng NASA cũng không dám chắc thiết bị này có thể hạ cánh an toàn hay không.

>>>Tiếp tục đưa robot Curiosity lên sao Hỏa

Lý do là vì vệ tinh mà NASA dựa vào đó để theo dõi tình hình của robot theo thời gian thực đã bị lệch sang một bên vì trục trặc hệ thống.

Các chuyên gia đã phục hồi được vệ tinh, nhưng giờ nó đang quay theo quỹ đạo khác với dự tính ban đầu, nên không thể giúp các nhà khoa học quan sát và ghị lại hình ảnh robot hạ cánh xuống sao Hỏa.

Robot thăm dò sao Hỏa sẽ hạ cánh bừa
NASA sẽ không thể theo dõi sát quá trình hạ cánh của tàu thăm dò sao Hỏa.

Hai phi thuyền bay quanh sao Hỏa khác sẽ theo dõi hành trình đáp xuống của robot, nhưng cả hai đều không thể cung cấp dữ liệu thời gian thực, Doug McCuistion, giám đốc chương trình thăm dò sao Hỏa của NASA, cho biết.

“Chúng tôi đang đánh giá tình hình. Trục trặc đó không gây tác động gì tới việc hạ cánh. Vấn đề chỉ đơn giản là dữ liệu được chuyển về có kịp thời hay không”, ông Mccuistion nói.

Phòng thí nghiệm khoa học sao Hỏa, thường được gọi là Curiosity, theo kế hoạch sẽ đáp xuống miệng núi lửa Gale – khu vực lòng chảo rộng 155km trên sao Hỏa – vào nửa đêm hôm 6/8 (giờ Việt Nam).

Sao Hỏa ngày nay là hành tinh lạnh, khô và nhiều axit. Nhưng những điều kiện này không phải vĩnh cửu.

Những robot thăm dò trước đây đã tìm thấy bằng chứng đáng tin cậy về sự tồn tại của nước, trong đó có nhiều đặc điểm địa lý như kênh rạch, đất sét và khoáng chất – những thứ được tạo thành khi đá tương tác với nước.

Miệng núi lửa Gale là một trong những điểm thấp nhất trên sao Hỏa.

“Nó giống như một cái bát nhỏ, sẽ thu bất kỳ tí nước nào có trên đó”, John Grotzinger, nhà khoa học ở Viện Công nghệ California và là người tham gia vào dự án, cho biết. “Nước chảy từ nơi cao xuống nơi thấp, và nếu bạn không biết gì trước thì đó là nơi bạn muốn đến để tìm bằng chứng về nước”.

Tuy nhiên, Curiosity không chỉ tìm nước. Để hỗ trợ sự sống như ở trên trái đất, môi trường cần phải có nước, nguồn năng lượng, giống như mặt trời hoặc năng lượng hóa học, và carbon.

Sứ mệnh của Curiosity là phải đánh giá xem miệng núi lửa Gale có các thành phần cần thiết ở thời điểm hợp lý và địa điểm hợp lý để hỗ trợ sự sống hay không.

Tham khảo: Reuters

 

Theo Xã Luận, Reuters